Chi Cục Kiểm Lâm Phú Yên

https://kiemlam.phuyen.gov.vn


CHUYỂN ĐỊA ĐIỂM CHỢ YẾN (XÃ AN HÒA, TUY AN): Phù hợp với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới (tiếp theo kỳ 1)

Từ chợ Yến cũ, chạy xe chỉ vài phút là đến chợ Yến mới (cách khoảng 400m). Đó là một ngôi chợ khang trang nằm cạnh trục đường chính của thôn Nhơn Hội (xã An Hòa), tiện cho hoạt động mua bán của người dân trong vùng.

Từ chợ Yến cũ, chạy xe chỉ vài phút là đến chợ Yến mới (cách khoảng 400m). Đó là một ngôi chợ khang trang nằm cạnh trục đường chính của thôn Nhơn Hội (xã An Hòa), tiện cho hoạt động mua bán của người dân trong vùng.
 

KỲ 2: Chợ Yến mới đáp ứng nhu cầu bức thiết

3
Chợ Yến mới được xây dựng khang trang, trên trục đường chính thôn Nhơn Hội, thuận lợi cho việc giao thương - Ảnh: PV

Khang trang chợ mới

Trái ngược với chợ cũ, chợ Yến mới rộng rãi, mát mẻ, hai bên vòm chợ có quầy chè, cháo, thịt, cá, rau, quả… rất tiện lợi. Quầy hàng khô người bán mua liên tục, một số mặt hàng khác có phần vắng khách. Thấy chúng tôi mua ủng hộ, họ rất vui. Trường hợp cá biệt như cô gái tên Thơ, sáng sớm bán cá chợ cũ, còn bao nhiêu em mang lên chợ mới rao tiếp. Thơ nói: “Em mong chợ gom về một nơi để ổn định”.

Theo các tiểu thương, so với chợ Yến cũ, các khu vực kinh doanh của chợ mới tách riêng theo từng ngành hàng, do đó thuận tiện để tiểu thương và người dân mua bán. Trong phần lều chính, các sạp hàng đều được xây dựng khang trang, cao ráo, thoáng mát, có phần gác lửng bên trên, rất tiện để sắp xếp hàng hóa.

“Chợ Yến cũ chật chội, thường bốc mùi hôi thối, nhất là vào mùa mưa, chợ ngập nước, sình lầy. Còn chợ mới thì sạch sẽ, thoáng mát, quầy kệ cao, đảm bảo vệ sinh và không cách xa so với chợ cũ nên việc chuyển chợ cũng không khó khăn gì. Vấn đề là hiện nay còn chợ cũ nên phân tán người mua. Tiểu thương mong chợ dời hẳn sang nơi mới để việc mua bán thuận lợi hơn”, chị Trương Thị Thơ, một người bán hàng ở đây nói.

Còn bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết bán chè tại đây chia sẻ: “Tôi gắn bó với chợ Yến nhiều năm nay. Từ ngày nghe chính quyền dời chợ, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Bản thân tôi cùng nhiều chị em tiểu thương nhanh chóng đăng ký hàng sạp ở chợ mới. Vào chợ này, chúng tôi được sắp xếp bán vào khu hàng ăn, giải khát cao ráo, thoáng mát. Một số khách du lịch đi chơi Hòn Yến cũng bắt đầu ghé chợ tham quan, mua sắm.

Tuy nhiên, do thói quen của người dân còn đi chợ cũ nên việc buôn bán ở đây chưa thuận lợi. Bù lại, địa phương hỗ trợ tiểu thương bằng cách không thu tất cả các khoản thuế, phí trong thời gian đầu buôn bán; số đông hộ buôn bán nhỏ lẻ, gánh hàng chỉ là thúng mẹt thì không tốn kinh phí di dời... nên chúng tôi yên tâm gắn bó”.

Theo bà Bảy ở thôn Nhơn Hội, từ ngày chợ Yến mới hoạt động, bà không mua ở chợ cũ nữa. “Tôi thấy chợ mới có bãi giữ xe, nếu ai đi xe máy thì có nơi gửi an toàn, đường sá xung quanh chợ đi lại dễ dàng hơn. Với những người không biết đi xe máy như tôi thì đi bộ cũng không xa xôi gì”, bà Bảy nói.

Hiện chợ mới có 63 hộ kinh doanh, trong đó có 18 hộ bán trong các ki ốt cố định, 45 hộ bán hàng nhỏ lẻ, tươi sống, ăn uống; 20 hộ nghỉ hoặc chuyển đi nơi khác buôn bán. Còn 50 hộ vẫn bán tại chợ cũ, chủ yếu hàng thịt cá, rau củ quả, ăn uống. Việc chính quyền địa phương hỗ trợ các tiểu thương trong việc tháo dỡ hàng sạp, vận chuyển đến địa điểm mới để ổn định buôn bán, cho dùng điện miễn phí và miễn thu các chi phí khác, đã giúp tiểu thương đỡ phần nào gánh nặng trong thời gian chợ hoạt động chưa ổn định.

Hợp lòng dân

Trước thực trạng chợ Yến cũ xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, năm 2007 cử tri thôn Nhơn Hội, Hội Sơn (xã An Hòa) đề nghị xây dựng chợ Yến mới trong các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND xã.

Đáp ứng nguyện vọng của người dân, năm 2011, UBND xã An Hòa lập đề án xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia (trong đó có tiêu chí về chợ). Qua tổ chức lấy ý kiến, nhân dân trên địa bàn xã đã thống nhất theo nội dung đề án và được thông qua HĐND xã tại kỳ họp cuối năm 2011.

Đến ngày 13/7/2012, HĐND xã An Hòa thông qua Nghị quyết 20/2012/NQ-HĐND về việc chuyển địa điểm xây dựng chợ Yến mới lên khu đất quy hoạch khu dân cư Tân An, thuộc thôn Nhơn Hội, cách chợ Yến cũ khoảng 400m về phía Tây Nam. Một số ý kiến cho rằng chợ Yến mới thuộc thôn Tân An chứ không phải thôn Nhơn Hội. Điều này, ông Trần Sáu, Chủ tịch UBND xã An Hòa khẳng định: “Chợ Yến xây dựng tại khu dân cư Tân An thuộc thôn Nhơn Hội, không phải thuộc thôn Tân An như một số ý kiến phản ánh”.

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An nói: “Đường từ chợ Yến mới trở lên thuộc thôn Tân An, nhưng vị trí chợ mới hiện nay là đất của Nhơn Hội chứ không phải của Tân An.

Trước đây, vì có dự án khu dân cư ghi là khu dân cư Tân An nên có sự hiểu lầm. Không phải khu dân cư Tân An là đất của thôn Tân An. Và thực tế, tên chợ mới vẫn là Chợ Yến - An Hòa. Mới đây, huyện cũng đã ký văn bản công bố khu dân cư Tân An thuộc thôn Nhơn Hội đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để người dân không hiểu sai.

Theo ông Trần Sáu, tổng mức đầu tư chợ Yến mới đến nay hơn 6 tỉ đồng, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Chợ được xây dựng trên diện tích hơn 3.387m2, riêng khu lều chính rộng 731m2 đáp ứng tốt mặt bằng cho các hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Ki ốt xung quanh lều chính rộng (từ 16-22,5m2) tạo không gian thoáng đãng cho việc buôn bán của các hộ tiểu thương.

Ngoài ra, các công trình phụ trợ khác sẽ hỗ trợ tốt cho các tiểu thương buôn bán nhỏ như: 2 vòm chợ (110 lô mặt bằng), sân bê tông toàn bộ nền chợ, hệ thống hầm rút và xử lý chất thải, nhà vệ sinh, hệ thống điện, hệ thống rút nước mưa… tránh tình trạng ứ đọng nước, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chợ còn được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy; xung quanh chợ có đường giao thông, khu đất trống để tập kết xe của người dân.

Với những điều kiện như trên, ngày 27/8/2018, UBND xã An Hòa đã ra Thông báo 157/TB-UBND về thời gian di dời chợ Yến cũ đến vị trí mới. Chị Nguyễn Thị Mến, chủ ki ốt hàng tạp hóa ở chợ Yến mới, cho biết: “Chợ mới gần đường nên không chỉ người dân ở các thôn trong xã đến mua mà còn có khách ở các nơi khác tiện đường vào chợ mua hàng. Bán ở chợ mới, tuy chưa được nhiều khách, nhưng tôi hài lòng vì chợ mát mẻ, rộng rãi”.

Ông Nguyễn Thanh Nha, Chủ tịch Hội Tù chính trị - yêu nước xã An Hòa, cho rằng: Chợ Yến mới được xây dựng dựa trên nguyện vọng của phần lớn người dân cũng như vì sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của xã An Hòa. Việc phản đối xây dựng chợ mới chỉ là ý kiến của một bộ phận nhỏ những người bị xúi giục, chống đối Nhà nước. Chợ Yến mới khang trang là điều kiện quá thuận lợi để mua bán, tạo diện mạo nông thôn mới cho xã An Hòa.

Mặt khác, mấy năm gần đây, xã An Hòa được người dân và du khách biết đến nhờ Danh thắng quốc gia Hòn Yến. Trong khi đó, khách du lịch muốn đến Hòn Yến phải đi qua khu vực chợ, nếu duy trì chợ Yến cũ thì sẽ làm mất hình ảnh, bởi chợ xập xệ, ngập nước vào mùa mưa, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thậm chí có hôm, xe chở khách xuống Hòn Yến nhưng đến khu vực chợ đã bị ách tắc. Điều này ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch của địa phương.

Việc chuyển địa điểm chợ Yến là chủ trương đúng, được nhiều người dân đồng tình. Địa phương sẽ dùng quỹ đất chợ Yến cũ để xây dựng khu công viên cây xanh nhằm tạo không gian thông thoáng cho nhân dân thôn Nhơn Hội sinh hoạt, góp phần tạo cảnh quan môi trường, giãn bớt mật độ lưu thông các phương tiện giao thông, tạo nơi vui chơi giải trí cộng đồng, phục vụ dân sinh.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An

KỲ CUỐI: Cần sớm ổn định hoạt động chợ

Theo baophuyen.com.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây