Chi Cục Kiểm Lâm Phú Yên

https://kiemlam.phuyen.gov.vn


Cảnh giác với các tổ chức tự xưng, hoạt động trái pháp luật

Kể từ khi Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/02/1947 đặt ra “Chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” ra đời, trong suốt hơn 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Rất nhiều chính sách đối với người có công đã được ban hành và luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập theo hướng ngày càng mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức ưu đãi cho người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. 
Kể từ khi Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/02/1947 đặt ra “Chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” ra đời, trong suốt hơn 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Rất nhiều chính sách đối với người có công đã được ban hành và luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập theo hướng ngày càng mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức ưu đãi cho người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. 
4
Cựu Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Luân thường xuyên tự xưng là giáo sư, tiến sĩ đã bị cơ quan công an triệu tập làm rõ động cơ lập "Ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam". (Ảnh: tuyengiao.vn)
Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện một số cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với người có công, mạo danh, lợi dụng tên tuổi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội để thành lập các tổ chức hoạt động trái phép và tìm cách phát triển tổ chức, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia, trong đó có cả cựu sĩ quan, tướng lĩnh quân đội, cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu, trí thức, hội viên các hội quần chúng. Trong đó có tổ chức tự xưng “Ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam”.

Người đứng ra thành lập và tự xưng “Trưởng ban liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam” là ông Nguyễn Ngọc Luân (sinh năm 1942, là Thượng sỹ quân đội, nguyên giáo viên quân sự Trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng đã nghỉ hưu nhưng tự xưng là Giáo sư, Tiến sỹ, Đại tá quân đội). Với ý đồ mở rộng phạm vi hoạt động ra các địa phương trên cả nước, ngày 15/6/2018, ông Nguyễn Ngọc Luân ra văn bản số 01/BLL gửi đến tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nội dung giới thiệu về tôn chỉ, mục đích hoạt động và đề nghị “tạo điều kiện quan tâm, giúp đỡ để việc triển khai thành lập các “Ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam” ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Kèm theo văn bản này là một số tài liệu, trong đó đáng chú ý có nội dung: “Năm 2018, Thường trực Ban liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam tiếp tục hướng dẫn để người có công trên toàn quốc đăng ký hội viên sáng lập Hội người có công Việt Nam, ra mắt Ban liên lạc người có công trên toàn quốc...”. Tại Hà Nội, đã xuất hiện “Ban liên lạc thành phố Hà Nội” và một số “Ban liên lạc” tại quận Hai Bà Trưng, huyện Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn.

Không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi các địa phương thành lập các ban liên lạc của tổ chức này, “Ban liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam” còn có dấu hiệu lừa đảo trục lợi, mạo danh tên tuổi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội để hoạt động. Ngày 06/01/2018, “Ban liên lạc” ra văn bản có nội dung “Tôn vinh đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng là trưởng ban liên lạc danh dự” và công bố danh sách 89 người tham gia, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV; Thiếu tướng Nguyễn Thành Định, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh; Ông Dương Minh Đỗ, nguyên Phó Cục trưởng Cục người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, thực tế các đồng chí trên đều không biết và không tham gia “Ban liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam”.

Qua đấu tranh, cơ quan công an đã làm rõ cơ cấu tổ chức, tính chất hoạt động của “Ban liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam” là tổ chức tự xưng, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Ngọc Luân đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và của “Ban liên lạc”, đã tổ chức họp các thành viên chủ chốt của “Ban liên lạc” để tuyên bố giải tán, chấm dứt hoạt động của “Ban liên lạc” ở các cấp, xóa bỏ các chức danh tự phong, giao nộp con dấu của “Ban liên lạc” cho cơ quan công an. Đến nay, tổ chức của “Ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị phá rã, không thực hiện được ý đồ mở rộng phạm vi hoạt động, thành lập các tổ chức tại các địa phương khác trên cả nước.

Thực hiện, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,  “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của tất cả mọi người... Tuy nhiên, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của người khác và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc để thành lập các tổ chức hoạt động trái pháp luật, lôi kéo nhiều người tham gia để phục vụ các mục đích, ý đồ xấu là hành vi sai trái, đáng lên án. Hơn ai hết, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân cần tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác trước các tổ chức tự xưng, hoạt động trái pháp luật!

Thành Tín
                
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây