Chiều 29/5, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử và phân cấp chữ ký số.
Lãnh đạo một số bộ, ngành, 10 tỉnh, thành phố phía Bắc và ba nhà cung cấp dịch vụ là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn FPT.
Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin văn bản gửi, nhận
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ngày 12/3, Thủ tướng đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, được các bộ, địa phương hưởng ứng tốt, dư luận xã hội đánh giá cao những cải cách của Chính phủ.
Trục liên thông văn bản quốc gia là cơ sở bước đầu để tích hợp các nền tảng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, tiến tới triển khai dịch vụ công toàn quốc.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, đến nay, 100% bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Từ ngày 12/3-27/5, trên 36.300 văn bản đã gửi và 105.300 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó có khoảng 7.900 văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ và có trên 5.800 văn bản là có chữ ký số.
Một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực trong triển khai gửi, nhận văn bản điện tử như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Phòng...
Vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được Văn phòng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trung tâm Tin học đã phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát, đánh giá an toàn bảo mật đối với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tối đa cho hệ thống.
Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp trên 150.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương; trong đó, đã cấp chứng thư số tổ chức cho 17/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã cấp 96/154 chữ ký số cho lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 118/262 chữ ký số cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố.
Theo thống kê, 84/95 bộ, ngành, địa phương đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Theo đó, để bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản điện tử và quy định ban hành và phát hành văn bản, văn bản điện tử phát hành phải có tối thiểu sáu chữ ký số (người có thẩm quyền, tổ chức, số hiệu văn bản, ngày, tháng, năm).
Đối với các văn bản có kèm phụ lục, số lượng chữ ký số trên một văn bản sẽ rất lớn. Điều này làm tăng đáng kể dung lượng và thời gian xác thực chữ ký số, phát sinh thêm công việc, quy trình cho đội ngũ cán bộ văn thư. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải tốn nhiều thời gian và công sức nâng cấp phần mềm quản lý văn bản để đáp ứng giải pháp kỹ thuật ký số.
Quá trình triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia còn phát sinh một số lỗi như không gửi/nhận được văn bản; văn bản gửi không đến được nơi nhận; nhiều văn bản gửi qua Trục liên thông không tuân thủ thời gian gửi nhận...
Thời gian cấp đổi chữ ký số chuyên dùng tại các bộ, ngành, địa phương chậm, dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh khi cán bộ thay đổi vị trí việc làm, thay đổi chức vụ, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai ký số trên văn bản điện tử.
Nguyên nhân chủ yếu là quy trình thực hiện cấp, đổi, phát lại chữ ký còn qua nhiều khâu trung gian, việc đăng ký chứng thư số và bàn giao thiết bị lưu khóa bí mật phải thực hiện tuần tự theo các cấp hành chính nên mất thời gian xử lý ở các khâu dẫn đến chậm tiến độ đáp ứng.
Tỷ lệ sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử tại một số đơn vị còn hạn chế. Một số đơn vị tỷ lệ gửi văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số còn thấp (Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Bạc Liêu).
Nhiều cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số.
Phân cấp mạnh, nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Bình cho biết việc gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông là bước cải cách lớn, giúp cơ quan nhà nước giải quyết nhanh chóng, hiệu quả công việc. Song, do mới ở giai đoạn bước đầu nên phải hoàn tất hệ thống pháp luật, không để hình thành hai hệ thống văn thư vừa giấy, vừa điện tử.
Thực hiện Chính phủ không giấy tờ, bên cạnh việc kết nối giữa địa phương với Chính phủ, còn phải bảo đảm được tính kết nối giữa các cơ quan địa phương, giữa các địa phương với nhau và liên thông trong hệ thống chính trị. Đặc biệt chú ý đến tính bảo mật, loại văn bản nào không được gửi điện tử phải nêu rõ.
Khẳng định “đã cưỡi lên lưng hổ là phải làm, không thể khác được,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết mục tiêu là tháng 6/2019, Chính phủ khai trương hệ thống e-Cabinet (Chính phủ không giấy tờ), tháng 11/2019 khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, một số dịch vụ sẽ đưa vào áp dụng ngay.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương từ thực tế triển khai, đề xuất những vấn đề cần tháo gỡ về thể chế, giải pháp công nghệ... Văn phòng Chính phủ sẵn sàng chung tay cùng các địa phương để tháo gỡ mọi vấn đề, tinh thần là những gì ở trên làm được, phân cấp được sẽ phân cấp mạnh, đồng bộ nhưng vẫn phải đặt vấn đề bảo đảm là số 1.
Hạ tầng phải bảo đảm dung lượng đường truyền. Thiết bị ứng dụng cho hạ tầng này phải đạt chuẩn. Các nhà cung cấp dịch vụ đều phải có thiết kế liên quan đến bảo đảm an toàn dữ liệu.
Dẫn số liệu liên quan đến cấp chứng thư số của tổ chức, cá nhân như Quảng Ninh gần 6.500 chứng thư số của cả tổ chức và cá nhân, Thái Bình là hơn 4.600, Bắc Giang hơn 3.100, trong khi đó Hà Nam chỉ có gần 230, Hà Nội cũng chỉ có hơn 1.000 chứng thư số, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng số lượng chứng thư số thể hiện cơ quan, địa phương đó có ứng dụng hồ sơ điện tử hay không. Ông đề nghị Ban cơ yếu Chính phủ phân cấp mạnh việc cấp chứng thư số, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ông đề nghị nên ủng hộ việc ký văn bản số trên thiết bị di động. “Nếu ký số mà ngồi phòng mới ký được thì tôi ký giấy luôn. Mỗi ngày, tôi ký khoảng 200 hồ sơ, có hồ sơ nếu in dày tầm 10cm,” ông nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết chuyển toàn bộ văn bản giấy sang văn bản điện tử, mỗi năm tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng từ tiền giấy in ấn, gửi bưu phẩm, bưu kiện...
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm mạnh mẽ, lấy đây làm đòn bẩy cải cách của Chính phủ, không để người dân, doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với cán bộ, công chức thực thi công vụ./.
Chương I CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN, CÁC TỔ CHỨC THUỘC VÀ TRỰC THUỘC CHI CỤC KIỂM LÂM Điều 1. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Chi cục Kiểm lâm, gồm: Phòng Hành chính, Tổng hợp; Phòng Thanh tra, Pháp chế; Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên ; Phòng Sử dụng và Phát triển...