Đang truy cập: 7
Hôm nay: 2,256
Hôm qua: 4,325
Tháng hiện tại: 49,656
Tháng trước: 103,525
Tổng lượt truy cập: 2,111,403
- Đang truy cập7
- Hôm nay2,256
- Tháng hiện tại49,656
- Tổng lượt truy cập2,111,403
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, cùng với những việc làm thiết thực, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của đạo đức, tâm hồn Việt, đã làm phong phú hơn những hoạt động đầy ý nghĩa của các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tấm lòng và những hoạt động có hiệu quả đối với các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đó không chỉ làm dịu đi nỗi đau trong họ, mà còn góp phần làm cho khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc
Hơn 70 đã trôi qua kể từ ngày nước Việt Nam giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược; trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong những năm tháng gian lao và anh dũng đó, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với khát vọng và niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, rất nhiều gia đình đã có những người thân yêu của mình hiến một phần thân thể, thậm chí cả tính mạng cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc "nở hoa hạnh phúc".
"TỔ QUỐC SẼ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN ƠN NHỮNG NGƯỜI CON YÊU QUÝ"
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sự hy sinh xương máu của các thương bệnh binh, liệt sĩ là vô cùng thiêng liêng và cao đẹp; “máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”[1], đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Vì thế, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Người khẳng định: “Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”[2].
Các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ với lòng yêu nước nồng nàn của họ đã thấm sâu vào tâm hồn của toàn quân và toàn dân ta, tiếp thêm tinh thần và sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành độc lập, hoà bình, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Từ tấm lòng bao la nhân ái của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ động viên chia sẻ cùng bác sỹ Vũ Đình Tụng nỗi đau khi: “Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc”[3]; đã an ủi, cảm thông những thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ mà còn xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, của toàn Đảng, toàn dân đối với họ khi nhấn mạnh: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”[4].
Góp phần bày tỏ tấm lòng “Đền ơn đáp nghĩa”, quyết định chọn ngày 27/7 hằng năm làm ngày “Thương binh toàn quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta đối với những người con thân yêu đã mất một phần thân thể, thậm chí hy sinh cả tính mệnh của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân chính là cách làm thiết thực, để “lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân” luôn ở bên cạnh, tiếp sức, chia sẻ với những đau thương mất mát mà họ từng gánh chịu.
Năm đầu tiên tổ chức ngày lễ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” (27/7/1947), ghi công, tưởng nhớ đến sự xả thân vô giá của những người đã làm cho đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Trong thư, Người viết: Đang khi đất nước lâm nguy, độc lập tự do của Tổ quốc bị đe dọa, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ của chúng ta hy sinh xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Trong số họ, người may mắn trở về, dù tàn phế nhưng vẫn còn cơ hội nhìn thấy những người thân; người không may mắn đã vĩnh viễn trở về với Đất Mẹ... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn sự hy sinh lớn lao và chiến công của họ. Đồng thời, Người đã “xung phong gửi một chiếc áo lót lụa, một tháng lương, một bữa ăn” của Người và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng, để giúp các chiến sĩ bị thương và tin tưởng rằng “ngày thương binh” hằng năm là ngày để chúng ta bày tỏ lòng thành đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ sẽ có kết quả mỹ mãn.
Kể từ đó, dù không phải ngày 27/7, song mỗi khi có dịp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư, động viên, quan tâm thăm hỏi đến thương bệnh binh và các gia đình liệt sĩ.
TẤM LÒNG CỦA BÁC HỒ VỚI THƯƠNG BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thông qua những bức thư, những món quà tặng, những lời động viên thăm hỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng tưởng nhớ đến những người đã nêu gương anh dũng, đã “quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào”, “quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào”, "quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống”[5]... Không chỉ ghi nhận công lao và chia sẻ với những người đã hy sinh một phần thân thể vì Tổ quốc, gửi lời an ủi, động viên và mong họ luôn là những “người tàn mà không phế” mà Người còn hứa rằng: Toàn thể quân và dân Việt Nam kiên quyết noi gương anh dũng của các thương binh, liệt sĩ, kiên quyết đánh tan giặc thực dân cướp nước, “để tranh lại độc lập và thống nhất thật sự cho nước ta”[6].
Theo Người, việc động viên thăm hỏi, việc giúp đỡ những thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ cho xứng đáng với sự hy sinh của những con người đã “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, bằng những việc làm cụ thể như: tặng quà, đón thương bệnh binh về làng chăm sóc, để họ được “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”, tri ân với những người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, quan tâm đến thân nhân các gia đình liệt sĩ, v.v.. là một nghĩa vụ của nhân dân chứ không phải là một việc làm phúc. Tất cả những việc làm đầy tình nghĩa, những món quà dù nhỏ nhưng sâu đậm tình người đó đã làm cho truyền thống hiếu nghĩa, bác ái của nhân dân ta trường tồn cùng lịch sử và ngời sáng trong hiện thực.
Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh Vũ Đình Tụng ngày 27/7/1952, Người nhắc nhở mỗi người dân "phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc". Còn về phần anh em thương binh, bệnh binh, thì "phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân. Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất… Đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được”...
Nhân ngày 27/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ông Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ thương binh - Cựu binh nhân “Ngày thương binh liệt sĩ”; trong đó, Người nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước rằng: “Bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ” những người đã từng hy sinh cho nước nhà và mong mỏi những anh em thương bệnh binh đã từng “công thần, ỷ lại, kém kỷ luật...” nên cố gắng sửa chữa để “trở thành những người gương mẫu” cả trong chiến đấu và trong sinh hoạt đời thường.
Ngày 27/7/1959, trong bức thư gửi anh em thương binh và gia đình liệt sĩ, Người đánh giá cao sự đóng góp của họ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và không quên nêu cao tấm gương của họ, mong họ càng cố gắng hơn nữa, tiến bộ hơn nữa...
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta diễn ra ngày càng quyết liệt, càng đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm của toàn dân tộc, đặc biệt là sự chi viện lớn lao của hậu phương miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây, chúng ta phải ghi nhớ sự hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ đã “phấn đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Vì vậy, Người mong mỗi người càng “phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”[7].
Bác Hồ với anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam (11/1965). Ảnh: TL
Chiến tranh ngày càng ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng dành sự quan tâm nhiều hơn đến công tác chăm sóc thương bệnh binh và các gia đình liệt sĩ. Người đã từng đề nghị với các địa phương: phải khéo tìm cách chia công việc và giúp đỡ những thương binh, gia đình liệt sĩ, để họ tuỳ sức mình tham gia vào công việc chung, để vừa tránh được chủ nghĩa bình quân trong lao động và phân phối, vừa tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống. Một lần khác, trong Thư khen cán bộ và nhân viên quân y đã nêu cao tinh thần dũng cảm, tận tuỵ cứu chữa đồng đội, chăm sóc các thương bệnh binh như “người mẹ hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thân ái “hỏi thăm các đồng chí thương binh, bệnh binh, khuyên các đồng chí yên tâm chữa bệnh mau chóng khoẻ để trở lại công tác”[8].
Từ những việc làm thiết thực của mình như gửi thư và quà cho Ban thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh liệt sĩ”; động viên các cháu nhỏ làm công tác Trần Quốc Toản tham gia kháng chiến bằng cách giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ; gửi một tháng lương của mình cùng một số khăn mặt, quần áo mà mọi người gửi biếu Người cho các thương binh và các gia đình liệt sĩ, v.v.. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ ghi nhớ, sẻ chia mà còn kích lệ, cổ vũ những người có công với cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cao đẹp và đóng góp cho xã hội.
Trước khi từ biệt chúng ta để trở về với cõi người hiền, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách” giúp đỡ những thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ... Đối với “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”[9]…
TIẾP TỤC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, ĐẠO LÝ "UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN"
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, cùng với những việc làm thiết thực, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của đạo đức, tâm hồn Việt, đã làm phong phú hơn những hoạt động đầy ý nghĩa của các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tấm lòng và những hoạt động có hiệu quả đối với các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đó không chỉ làm dịu đi phần nào nỗi đau trong họ, mà còn góp phần làm cho khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển.
Từ những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội với công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và ưu đãi người có công, trong những năm qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, có thể thấy phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng trở thành một nét đẹp tinh thần trong đời sống văn hoá của nhân dân ta, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn. Các chủ trương, chính sách nhân đạo, phù hợp của Đảng và Nhà nước như xã hội hoá công tác chăm sóc người có công đã phát huy được nội lực và là giải pháp cơ bản, đầy hiệu quả trong việc huy động sức mạnh của toàn xã hội. Những chương trình lớn: xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, lập sổ tiết kiệm, lập quỹ tấm lòng vàng, giúp đỡ thương bệnh binh ổn định đời sống, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ, con liệt sĩ cô đơn, truy tìm đồng đội... đã, đang và sẽ ngày một phát triiển sâu rộng trong cộng đồng.
Chính sách ưu đãi và chăm sóc người có công là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là Ngày thương binh liệt sĩ. Trong 72 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã không ngừng được hoàn thiện và được thực hiện để đảm bảo người có công có một cuộc sống tốt và không bỏ sót người có công. Trong đó, đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thăm và tặng quà Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang
Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 29/8/1994 là cơ sở pháp lý vững chắc, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và đã được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ.
Đến nay cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công và số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng là gần 1,4 triệu người. Tính đến năm 2018, mức chuẩn để xác định trợ cấp ưu đãi người có công là 1.515.000 đồng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công hằng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (bao gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa...). Giai đoạn 2012 - 2018, cả nước đã chi 10.726 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.412 gia đình người có công làm mới 44.652 căn nhà và sửa chữa 40.760 căn nhà tình nghĩa; tặng 63.523 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng… đã góp phần động viên người có công và thân nhân người có công ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng dự thảo dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) nhằm sửa đổi toàn diện, để thay thế Pháp lệnh hiện hành: nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đồng thời, xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; nhiều quyết định bổ sung khác của Chính phủ; nhiều phong trào thiện nguyện: Đi tìm đồng đội, hành hương về chiến trường xưa, thắp hương ở các nghĩa trang liệt sĩ, đặc biệt là Quỹ ủng hộ nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, v.v.. và Chỉ thị số 14-CT/TW về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng", trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú... (Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành năm 2017), đã góp phần để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, tỏ lòng yêu mến đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng.
Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày 27/7- Ngày thương binh liệt sĩ, cùng với những thành tựu về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của công cuộc đổi mới, công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công lại có bước phát triển mới. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng và ngày một đổi mới trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân tại các địa phương. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như: đi thăm, tặng quà cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh nặng tại Trung tâm Ðiều dưỡng thương binh; tiếp tục thực hiện quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đến các mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều chương trình nghệ thuật tri ân các anh hùng, liệt sĩ… đã có sức lan tỏa lớn.
Để làm giàu thêm truyền thống, đạo lý tốt đẹp ấy, các cơ quan chức năng, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và sự tri ân những hy sinh, cống hiến của lớp lớp thế hệ cha anh đối với Tổ quốc. Các cơ quan truyền thông đã xây dựng, tổ chức nhiều phim tài liệu, phóng sự truyền hình, chuyên trang, chuyên mục và bài viết tuyên truyền tới quần chúng nhân dân về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tôn vinh những tấm gương dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thiết thực tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, biểu dương thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng; dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử, cách mạng, các hoạt động về nguồn, v.v..
Nhất là, việc Chính phủ tổ chức cuộc gặp mặt, tuyên dương Thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc với sự tham dự của 500 thương binh nặng, bị mất sức lao động từ 81% trở lên ngày 25/7 vừa qua thật là ý nghĩa. 72 thương binh nặng tiêu biểu tham dự cuộc gặp mặt tại Nhà Quốc hội cũng như các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc trong cuộc gặp mặt, tuyên dương ấy chính là những người "tàn mà không phế" trong thực tiễn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Đó đều là những tấm gương thương binh đã vượt qua thương tật, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống để trở thành những người làm kinh tế giỏi, tạo công ăn việc làm cho con cháu của đồng đội và các gia đình chính sách trên địa bàn; trực tiếp tham gia việc tìm kiếm, quy tập hài cốt của đồng đội, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, thiện nguyện,v.v.. có sức lan tỏa lớn trong xã hội...
Cùng với thời gian, có thể nói, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, tình nghĩa thuỷ chung của những người đồng đội, với những chương trình thiện nguyện, với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và các hoạt động cụ thể thường ngày... đã làm vợi đi nỗi đau, sự mất mát của chiến tranh, góp phần giúp những thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày một ổn định cuộc sống. Những hoạt động có hiệu quả đó của cả cộng đồng đã không chỉ đem đến cho mỗi người sự sẻ chia, đồng cảm mà còn giúp họ được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần, để tham gia các hoạt động ích lợi cho xã hội như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nào./.
TS. Văn Thị Thanh Mai/tuyengiao.vn
------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr.427
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.5, tr.13
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.5, tr.40
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr.175
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.5, tr. 466
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.5, tr.718
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr. 3
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.12, tr 284
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.12, tr 503, 504
Liên kết website
Đang truy cập: 7
Hôm nay: 2,256
Hôm qua: 4,325
Tháng hiện tại: 49,656
Tháng trước: 103,525
Tổng lượt truy cập: 2,111,403