Đang truy cập: 18
Hôm nay: 1,271
Hôm qua: 1,128
Tháng hiện tại: 34,519
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,234,750
- Đang truy cập18
- Hôm nay1,271
- Tháng hiện tại34,519
- Tổng lượt truy cập2,234,750
Sáng 10/4, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Cùng dự cuộc gặp mặt có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo những kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận năm 2018, một số trọng tâm công tác năm 2019 và phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Năm 2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, hướng về cơ sở, phát huy dân chủ để vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, nhiệm vụ năm 2018 của mỗi địa phương và cả nước.
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân có nhiều đổi mới, việc tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước được thực hiện hiệu quả hơn, qua đó thẳng thắn kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp 6943 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước báo cáo tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào thực chất, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục vận động nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hút được sự ủng hộ, vào cuộc của xã hội, khơi dậy nhiều nguồn lực giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn, hoạn nạn.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện dân chủ tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng chủ động, đóng góp tích cực cho tình đoàn kết hữu nghị quốc tế, góp phần cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…
Năm 2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc lần thứ IX vào tháng 9/2019. Công tác Mặt trận ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Chú trọng nắm bắt, phản ánh tình hình nhân dân, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhân dân; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát, phản biện xã hội…
Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chân thành lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Có đại biểu cho rằng, cần quan tâm hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, vì đây là nền tảng tinh thần của xã hội, một trong ba trụ cột phát triển bền vững. Cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cần chăm lo phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân cần được quy định thống nhất trong các văn bản, quy định, nghị quyết. Đại biểu đề nghị, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm tập trung dân chủ với phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, làm sao ràng buộc lẫn nhau, không để thành tích là của mình, còn khó khăn, mất mát dồn cho tập thể.
Có đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa cho khoa học công nghệ, tập hợp, động viên khuyến khích đội ngũ trí thức, tổ chức tốt công tác tư vấn, phản biện chủ trương chính sách, tạo đồng thuận cao trong nhân dân, đặc biệt là những vấn đề dư luận quan tâm.
Các đại biểu cho rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát động, đã gây được tiếng vang lớn, có tác dụng răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Tuy vậy, đại biểu đề nghị cần tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, tăng cường kỷ cương kỷ luật trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, phát huy dân chủ thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp và tăng cường kiểm soát theo luật định.
Theo kết quả phân tích hàng vạn doanh nghiệp, tình trạng sách nhiễu đã giảm. Chỉ số CPI tăng lên, cho thấy chính quyền các địa phương năng động hơn. Trên 90% số doanh nghiệp tiếp tục duy trì và mở rộng kinh doanh. Mức tăng trưởng kinh tế tăng lên. Điều đó cho thấy, phòng chống tham nhũng không phải chỉ là yêu cầu của xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà chính là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Giảm tham nhũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Đại biểu nhấn mạnh: Chống tham nhũng và cải cách thể chế cần song hành, là hai đường ray để kinh tế Việt Nam tiếp tục đi lên.
Các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cụ thể nhằm phát huy nguồn lực kiều bào, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền vận động thế hệ trẻ Việt kiều có ý thức giữ gìn truyền thống cha ông, hướng về nguồn cội, là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Trong đó, đại biểu nhấn mạnh việc tạo thuận lợi hơn trong các thủ tục liên quan đến quốc tịch; quan tâm hơn nữa việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…
Thông báo về tình hình đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thành tựu sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới là hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế và lực của đất nước tăng cao. Tuy vậy, “không được chủ quan, tự mãn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắn nhủ. Bài học đầu tiên là phải đoàn kết, thống nhất, cả hệ thống chính trị vào cuộc, lòng dân - ý Đảng gặp nhau. Trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hết sức quan trọng. Rất mừng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoạt động ngày càng nền nếp, bài bản, hiệu quả, thiết thực hơn, nơi thu hút tinh hoa trí tuệ, đoàn kết tập hợp nhân tài của đất nước, vận động toàn dân tham gia các phong trào hành động, thi đua yêu nước. Nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ của các nước trên thế giới, với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.
Về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Xây là cơ bản, chống là quan trọng, xây cũng là để chống mà chống chính là để xây, để cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa, răn đe. Thực tế chúng ta đang vừa chống vừa xây, một loạt quy chế, quy định về nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu... Chống chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy để làm việc này việc kia, tranh thủ quan hệ thân quen, lợi ích nhóm... bằng các cơ chế, chính sách, quy chế, quy định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, từ trên xuống, từ dưới lên, nhân dân giám sát, từng đoàn thể phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, chống lạm quyền.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Không thể để đạo đức xuống cấp, không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế, càng kinh tế thị trường càng phải chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng văn hóa, giữ gìn đạo đức, đó là bản chất xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định nhất quán đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu, kiên định Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.
Về vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo tự do phát triển, không định kiến, không phân biệt. Nhưng lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật thì phải ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần nắm vững quan điểm, đường lối chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước. Đó là kiên định giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhưng phải có phương pháp cách làm hiệu quả, giữ vững ổn định để phát triển được... Chủ trương chung là vậy, cần phải kiên định, đồng thuận cao, làm tốt công tác tư tưởng.
Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi về từng vấn đề các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu. Cụ thể là vấn đề chống tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; việc tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nguồn lực kiều bào hướng về quê hương, đất nước; vấn đề tái định cư vùng lòng hồ thủy điện; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ; động viên các đồng chí lão thành, nhân sỹ trí thức tham gia tư vấn, phản biện chính sách…/.
Liên kết website
Đang truy cập: 18
Hôm nay: 1,271
Hôm qua: 1,128
Tháng hiện tại: 34,519
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,234,750