Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Thứ hai - 25/03/2019 20:22
Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
1
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 25/3, tại Nhà Quốc hội đã khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự và phát biểu tại phiên họp. Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, bên cạnh 3 dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Trong đó, Chính phủ đề xuất rút ra khỏi chương trình với hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (dự kiến trình sau năm 2020).

Đồng thời, lùi thời gian trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để Quốc hội cho ý kiến từ Kỳ họp thứ 7 sang Kỳ họp thứ 8.

Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất bổ sung vào chương trình 7 dự án, dự thảo gồm Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sẽ ưu tiên đề xuất vào chương trình các dự án luật để tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án luật, pháp lệnh nhằm kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 và 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP…

Trên nguyên tắc này, Chính phủ đề xuất đưa 14 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần đánh giá cụ thể, chỉ rõ địa chỉ của những hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua.

Các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục tình trạng xin lùi, xin rút khỏi chương trình, nâng cao chất lượng dự án luật trình Quốc hội...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã đưa vào một số dự án luật quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có những quy định mang tính chất đổi mới cơ bản về quy trình lập, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Các cơ quan chức năng tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì những tồn tại về chất lượng hồ sơ dự án luật, xin rút, xin lùi, điều chỉnh chương trình nhiều lần… sẽ được khắc phục đáng kể.

Theo dự kiến Chương trình, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.../.

TTXVN/Vietnam+

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây