Đang truy cập: 21
Hôm nay: 1,054
Hôm qua: 1,128
Tháng hiện tại: 34,302
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,234,533
- Đang truy cập21
- Hôm nay1,054
- Tháng hiện tại34,302
- Tổng lượt truy cập2,234,533
Việt Nam có nền văn hóa với bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có bản sắc riêng và được coi là rất mạnh, nên không dễ đồng hóa. Văn hóa Việt Nam do những con người được đánh giá là thông minh và sáng tạo, dũng cảm và bản lĩnh, hiếu học và cần cù, khoan dung và nhân hậu,… sáng tạo ra. Đó là “sức mạnh mềm” Việt Nam.
Việt Nam có vị trí địa - chính trị đặc thù. Ngày nay, yếu tố này được tính đến trong chiến lược của hầu hết các cường quốc. Về một phương diện nhất định, đó cũng là “sức mạnh mềm” Việt Nam. Sức mạnh này cần được lý giải sâu sắc hơn và phải được phát huy với tính cách là nguồn nội lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1. Joseph Nye, GS. Đại học Harvard, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống B. Clinton(1), là người khởi xướng học thuyết “sức mạnh mềm” (Soft power). Theo ông, sức mạnh mềm là một thuật ngữ thường dùng để chỉ những ảnh hưởng, tác động, can thiệp,... thuộc về những nhân tố văn hóa - xã hội, kể cả những nhân tố tín ngưỡng, tâm lý, truyền thống, giá trị... Đối lập với “sức mạnh cứng” (Hard power), “sức mạnh mềm” là “khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”. “Sức mạnh mềm” mang tính phi quân sự, phi bạo lực, sinh ra từ sự lựa chọn chứ không phải áp đặt. Nó có khả năng giải quyết tốt các vấn đề từ góc độ văn hóa - xã hội. Có 3 nguồn lực chính để tạo nên “sức mạnh mềm” của một quốc gia, đó là: nền văn hoá, hệ giá trị và hệ thống chính sách. Trên thực tế, “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” có khả năng hỗ trợ làm tăng ảnh hưởng cho nhau. “Sức mạnh cứng” có thể giúp phát huy “sức mạnh mềm”, làm cho “sức mạnh mềm” trở nên hấp dẫn. Theo J. Nye, khả năng kết hợp giữa “sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng” sẽ tạo ra “sức mạnh thông minh” (Smart power). Sức mạnh của châu Âu, theo J. Nye, khác với sức mạnh Mỹ và các cường quốc khác, là một thứ sức mạnh có sức hấp dẫn, rất nên lựa chọn mà nhiều quốc gia trong thế giới hiện đại có thể không tính đến.
Từ cuối năm 2017, khi dư luận quốc tế lo ngại về cuộc chiến tranh thông tin được một vài quốc gia tiến hành như là một thứ “sức mạnh sắc bén” (Sharp power) đe dọa an ninh thế giới, J. Nye vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào “sức mạnh mềm”. Ông cho rằng, cần thiết phải tỉnh táo để không làm suy giảm “sức mạnh mềm” trước sự đe dọa của “sức mạnh sắc bén”.
2. Đầu năm 2010, J. Nye đến Việt Nam. Trong buổi thuyết trình về “sức mạnh mềm” và qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các chính khách, trí thức, doanh nghiệp Việt Nam, J. Nye trả lời nhiều câu hỏi của những người tham dự và khẳng định “Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa. Việt Nam có tiềm năng về “sức mạnh mềm”. “Việt Nam có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình”(2).
Việt Nam có bề dày văn hóa truyền thống hàng nghìn năm. Ngày nay, điều được thừa nhận này có ý nghĩa quy định sự phát triển tiếp theo của đất nước. Quán tính lịch sử, khuôn mẫu văn hóa, bản lĩnh dân tộc, thói quen tư duy, cách thức kiếm sống, phương thức ứng xử,…với tất cả thế mạnh và những hạn chế của nó, chắc chắn sẽ không tách rời hiện tại và tương lai. Những hạn chế thuộc về tập quán văn hóa sẽ rất khó loại bỏ hoặc vượt qua, trong khi đó, những thế mạnh của truyền thống đầy tiềm năng lại không dễ để phát huy tác dụng. “Sức mạnh mềm” là điều có thật. Và, sự phát triển tối ưu hay hợp lý sẽ đến với chủ thể nào biết phát huy thế mạnh về văn hóa, nhận ra được những khuyết tật cố hữu của mình để nắm bắt và khống chế cơ hội trong thế giới toàn cầu hóa.
Trong so sánh với các dân tộc - quốc gia xung quanh và xa hơn ở bên ngoài, Việt Nam xưa nay luôn được đánh giá tích cực ở nhân tố văn hóa. Không phải ngẫu nhiên cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhận xét: “Người Việt Nam là một trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên của họ đến Singapore theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường có điểm số cao nhất(3).
Về phương diện địa - chính trị, trong thế kỷ XXI Việt Nam vẫn là quốc gia có vị thế rất đặc biệt trên bàn cờ chính trị thế giới, là nhân tố có ý nghĩa chi phối trật tự địa - chính trị. Điều này đã được Zbigniew Brezinski, Samuel Huntington dự báo từ rất sớm(4), nhưng vào những năm 90 của thế kỷ XX không mấy ai thật sự chú ý, kể cả các nhà chiến lược Mỹ. Gần đây, khi tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nóng lên, Robert Kaplan và các chiến lược gia của Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS) mới phân tích sâu hơn và thừa nhận vị thế địa chiến lược này của Việt Nam.
Có thể thấy, thái độ của các quốc gia, nhất là các cường quốc đối với Việt Nam trong mấy năm trở lại đây là một minh chứng cho vị thế địa - chính trị đặc thù của Việt Nam. Thông qua việc tổ chức một số sự kiện lớn tại Việt Nam, vị thế này đã lộ ra những khó khăn, thách thức và cả thuận lợi của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia khác trên bàn cờ chính trị thế giới. Nhiều chính khách đã không tiếc lời khen ngợi Việt Nam. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng và sau đó thăm chính thức Việt Nam đã gọi Việt Nam là “một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên trái đất”, một trong những “điều kỳ diệu lớn” của thế giới. Những sự kiện, hiện tượng này nếu không phải là “sức mạnh mềm”, thì chắc chắn cũng có liên quan tới “sức mạnh mềm”.
Sự thực là trong thế kỷ XX, với Việt Nam, các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc đều có nguyên nhân không tách rời vị thế địa - chính trị của đất nước. Hầu hết các học giả có tên tuổi viết về chiến tranh đều coi cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam (1954-1975) thuộc về cuộc chiến ý thức hệ. Ngày nay, trong tương quan với chiến lược xoay trục của Mỹ hướng về châu Á - Thái Bình Dương và trong tương quan với tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc, vị thế địa chiến lược của Việt Nam một lần nữa lại trở nên quan trọng, nằm ngoài ý muốn của tất cả các bên.
Vấn đề là ở chỗ, nếu xem nhẹ vị thế địa - chính trị đặc biệt của Việt Nam, thì việc mưu cầu và theo đuổi các lợi ích của Trung Quốc, Mỹ, Nga đều có thể bị vi phạm. ASEAN, Nhật Bản và Ấn Độ, trong tầm ảnh hưởng bởi những tương quan, cũng đều phải lựa chọn kế sách thích hợp. Những năm gần đây, các đầu óc chiến lược của Trung Quốc, Mỹ và Nga đều đã nhận ra tính thực tế của điều này. Và, không hề ngẫu nhiên, sách lược của các quốc gia vừa nói ở trên đều công nhiên thể hiện khá rõ phương thức ứng xử có tính đến yếu tố Việt Nam.
Với Việt Nam, điều này khá ngặt nghèo và là bất khả lựa chọn. Điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử từ xa xưa và đặc thù văn hóa của đất nước đã quy định một cách khách quan vị thế và phương thức ứng xử để quốc gia - dân tộc có thể trường tồn và phát triển.
Trong số các dân tộc Bách Việt miền nam sông Dương Tử, chỉ có Việt Nam là không bị đồng hóa bởi văn minh Hán, dù phải trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Không có ngoại lệ, trong tất cả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đều chiến thắng, dù đó là Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh hay Pháp, Mỹ. Từ rất sớm, người Việt đã chinh phục được Biển Đông, làm chủ được Hoàng Sa - Trường Sa. Giữ vị trí giao điểm của các luồng văn minh, Việt Nam xưa nay luôn là mảnh đất dừng chân, lập nghiệp và hội tụ của nhiều tôn giáo, nhiều phương thức sống, nhiều dạng văn minh. Văn minh Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn minh Đại Việt từ Đinh, Lê đến tận thế kỷ XX, trong tương quan với các nền văn minh - văn hóa bên ngoài đương thời, đều không hề thua kém về trình độ phát triển.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy các thế hệ trước đã xử lý rất hiệu quả nhân tố đặc thù văn hóa địa - chính trị ngặt nghèo này. Những bài học kinh nghiệm phong phú về việc khơi dậy và phát huy tiềm năng “sức mạnh mềm” đã một phần được ghi lại trong sử sách. Việc tìm kiếm những gợi ý thông minh cho hiện tại và tương lai là trách nhiệm phải đúc kết của thế hệ hôm nay.
3. Bài học kinh nghiệm về việc khơi dậy và phát huy tiềm năng “sức mạnh mềm”, gợi ý tìm phương thức phát triển cho tương lai, mà thế hệ hôm nay có trách nhiệm phải đúc kết, trước hết và cũng rất căn bản là bài học về phương diện văn hóa. Cùng với vị thế địa chiến lược quan trọng, Việt Nam còn có cả một bề dày văn hóa đã được tạo dựng và tôi luyện qua hàng nghìn năm lịch sử và cũng vừa mới sử dụng trong gần trọn thế kỷ XX. Bài học từ quá khứ còn nóng hổi. Chủ nghĩa yêu nước sâu sắc, bền bỉ, ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do” (Hồ Chí Minh), tư tưởng “vì Dân” (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh), tinh thần “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi), sách lược “dĩ bất biến ứng vạn biến” (Hồ Chí Minh),... là những sức mạnh văn hóa có thực nếu thế hệ hôm nay biết tôn trọng, khai thác và vận dụng.
Với tính cách là thành phần quan trọng của “sức mạnh mềm”, những nét đặc thù văn hóa nói trên có khả năng thúc đẩy sự phát triển. Ở những phẩm chất lớn của con người, tinh thần hiếu học, lòng yêu nước, khả năng sáng tạo, đức tính cần cù, yêu lao động,… là những phẩm chất như vậy. Bài học kinh nghiệm từ những năm đầu thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế là bài học về phát huy tiềm năng văn hóa còn tiềm ẩn trong xã hội, giải phóng con người, mạnh dạn xóa bỏ những khuôn thước cứng nhắc, lấy dân - hợp lòng dân, hạnh phúc của người dân làm gốc, coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo cho hành động.
Trong bối cảnh phức tạp của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay, những nét đặc trưng của tinh thần dân tộc cần phải tính đến là sức mạnh của nhân dân, là ý chí của dân tộc, là lòng yêu nước của mỗi người, là tính chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc,... Đó chính là “sức mạnh mềm” trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bên cạnh sức mạnh quân sự, chính trị. Bài học về “sức mạnh mềm” đầu tiên của các cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc là, nhân tố con người bao giờ cũng mạnh hơn vũ khí.
Với vị thế địa - chính trị đặc biệt của mình, cùng với những kinh nghiệm văn hóa đối ngoại đầy bản lĩnh, Việt Nam hôm nay được coi là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc và của cộng đồng quốc tế. Nhân tố Việt Nam được tính đến trong chiến lược của tất cả các cường quốc.
Tinh thần dân tộc được đúc rút từ kinh nghiệm máu xương của những cuộc chiến tranh vệ quốc thiêng liêng, lòng khát khao hòa bình và phát triển của Việt Nam hôm nay chắc chắn sẽ là sức mạnh to lớn để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh ở khu vực và thế giới.
Với nền văn hóa có bề dày truyền thống hàng nghìn năm, với tiềm năng con người được đánh giá là tích cực, người Việt Nam ngày nay bằng những phẩm chất văn hóa thông minh và sáng tạo, dũng cảm và bản lĩnh, hiếu học và cần cù, khoan dung và nhân hậu,… chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức hiện thời, cùng nhau xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ.
Đó là “sức mạnh mềm” Việt Nam./.
-----------------------
(1) Joseph Nye còn là một trong những người sáng lập chủ nghĩa tân tự do về quan hệ quốc tế. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, như: Soft Power: The means to success in world politics (Sức mạnh mềm: các phương tiện để thành công trong nền chính trị thế giới), Understanding international conflict (Tìm hiểu xung đột quốc tế), The paradox of American power (Nghịch lý quyền lực Mỹ)...
(2) Joseph Nye: Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của Việt Nam, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-12
(3) Lý Quang Diệu viết về Đông Nam Á và Việt Nam, http://nghiencuuquocte.net/2014/01/14/ly-quang-dieu-ve-dna-va vn/#sthash.P5B8ZrlQ.dpuf
(4) Xem Huntington, Samuel P: Sự va chạm của các nền văn minh. Nxb. Lao động, Hà Nội, 2005; Zbigniew Brzezinski: Thất bại lớn - sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX, Viện Thông tin Khoa học xã hội xuất bản, 1992
GS, TS. Hồ Sĩ Quý
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Nguồn: TCCS
Liên kết website
Đang truy cập: 21
Hôm nay: 1,054
Hôm qua: 1,128
Tháng hiện tại: 34,302
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,234,533