Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sáng 28/6, tại Osaka, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo gần 30 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Nhật Bản như Hitachi, Toshiba, Hanwa, Daikin, Anna, Fujitsu, Kajima, Mazda Motor, Kansai Economy...
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản tham dự buổi làm việc.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng cao liên tục trong thời gian qua. Đây là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ chiếm đa số, tầng lớp trung lưu đang không ngừng tăng cao, đến năm 2030 chiếm trên 50% dân số Việt Nam, với sự thích nghi nhanh chóng việc ứng dụng công nghệ.
Những điều này đã tạo nên một thị trường sức mua hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Không chỉ vậy, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; có quan hệ với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, ngày 30/6 tới đây, Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam cũng đã ký kết FTA với 15 nước trong nhóm các quốc gia G20.
Thủ tướng cũng cho biết hiện Việt Nam có 130 quốc gia đến đầu tư, sản xuất kinh doanh với tổng số vốn trên 350 tỷ USD; trong đó đã giải ngân được trên 200 tỷ USD.
Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 60 tỷ USD. Thủ tướng cho biết theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có trên 65% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh có lãi tại Việt Nam và trên 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng có những doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng, sâu rộng ở các quốc gia. Cùng với xu thế đó, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế xã hội với ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin, triển khai thương mại điện tử ứng dụng công nghệ 5G đến năm 2020, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; đảm bảo an toàn thông tin, phấn đấu trở thành trung tâm an ninh mạng ở khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nhà sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin lớn trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, e-cabinet, làm cơ sở phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Việt Nam phấn đấu có trên 1 triệu nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2020-2025 lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thủ tướng nêu rõ Nhật Bản là quốc gia phát triển cao, có nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản; trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến trao đổi tại buổi gặp mặt, hầu hết các tập đoàn công nghệ Nhật Bản cho biết đều đã có các hoạt động đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm; bày tỏ mong muốn được mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những cứ điểm để phát triển các lĩnh vực công nghệ của mình.
Các nhà đầu tư cho rằng công nghệ là lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh chóng, do đó việc phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực là việc rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ để đảm bảo cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Các tập đoàn công nghệ Nhật Bản cũng đề cập đến tầm quan trọng của viễn thông 5G và đề nghị được tham gia vào quá trình xây dựng các trung tâm dữ liệu 5G tại Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ, một số ý kiến đề nghị được tham gia vào các lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam; đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam cải thiện thời gian cấp phép kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài; linh hoạt trong xét duyệt kế hoạch kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ bởi môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này đang thay đổi nhanh chóng dẫn đến thay đổi tương ứng trong kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư.
Hoan nghênh các ý kiến góp ý tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tính đa dạng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản; vui mừng vì hầu hết các nhà doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ Nhật Bản đều đã có hoạt động đầu tư Việt Nam từ nhiều năm nay.
Giải đáp một số ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là công nghệ thông tin là yếu tố có quan trọng hàng đầu và đang nỗ lực phấn đấu có trên 1 triệu nhân lực số giai đoạn 2020-2025, đạt chuẩn quốc tế và đảm bảo cung cấp nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực này trong khu vực và thế giới.
Việt Nam mong muốn các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản tích cực tham gia, đào tạo, giảng dạy nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như điện toán đám mây, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo...
Về việc tận dụng lợi thế CPTPP, EVFTA, Thủ tướng nhấn mạnh đến mảng kinh doanh, dịch vụ và cho rằng đây cũng là một trong những thế mạnh của Nhật Bản; là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định này, hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Koichi Miyata - một nhà đầu tư lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công từ những hoạt động đầu tư tài chính của SMBC tại Việt Nam; tin tưởng, trong giai đoạn hợp tác chiến lược sắp tới giữa hai nước, SMBC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Koichi Miyata bày tỏ vui mừng và vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp tại Osaka nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20; cho biết SMBC có lịch sử đầu tư 25 năm tại Việt Nam và là ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam với 500 triệu USD.
Ông Koichi Miyata cũng tự hào vì SMBC đã góp phần vào tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà gần đây nhất là việc SMBC tham gia vào việc phát triển một dự án năng lượng tại Việt Nam. Chủ tịch SMBC khẳng định thành công trong kinh doanh của SMBC tại Việt Nam thời gian qua là nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ, SMBC cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để SMBC mở rộng hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính tại Việt Nam, qua đó cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong tương lai./.
Chương I CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN, CÁC TỔ CHỨC THUỘC VÀ TRỰC THUỘC CHI CỤC KIỂM LÂM Điều 1. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Chi cục Kiểm lâm, gồm: Phòng Hành chính, Tổng hợp; Phòng Thanh tra, Pháp chế; Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên ; Phòng Sử dụng và Phát triển...