Điên Biên Phủ - Một trong những chiến thắng vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc

Chủ nhật - 05/05/2019 20:21 640 0

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có ý nghĩa quan trọng, đã góp phần đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ðông Dương, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi vĩ đại này, nhân dân Việt Nam đã không chỉ viết vào lịch sử nhân loại lời cáo chung của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên phạm vi toàn thế giới mà còn thức tỉnh các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, độc lập, quyền sống làm người.

2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh tư liệu

QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Ngay sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đặc biệt là từ những năm đầu của cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quan tâm đến vị trí, và tầm quan trọng và yêu cầu các đội quân của chúng ta phải kiên trì chiến đấu, bám trụ, xây dựng vững chắc cơ sở cách mạng trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm tốt được nhiệm vụ trọng yếu đó, không những chúng ta có thể triển khai tốt thế trận chiến tranh nhân dân và tạo điều kiện phát huy sở trường đánh địch ở vùng rừng núi của quân ta; bảo vệ được Việt Bắc - căn cứ đầu não kháng chiến, tạo thế liên hoàn với hậu phương rộng lớn, mà còn thuận lợi nhiều trong giao lưu quốc tế, đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Trên cơ sở hiểu rõ về địa bàn Tây Bắc, hiểu rõ thế và lực giữa ta và địch, cùng với sự phát triển của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, chiến thắng Biên Giới 1950, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta không những đã giữ vững thế chủ động tiến công trên chiến trường, mà còn biết kết thúc đúng lúc. Sau khi “cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường”, cân nhắc so sánh tương quan lực lượng, Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ đã quyết tâm mở chiến dịch Tây Bắc (14/10-10/12/1952). Từ kết quả của chiến thắng quan trọng này, so sánh lực lượng giữa quân ta và quân Pháp đã có những diễn tiến bất ngờ.

Ngay sau chiến thắng Tây Bắc của quân ta, giới quân sự chóp bu của Pháp trong đó có tướng Xalăng đã từng nghĩ đến việc phải chiếm lại Điện Biên Phủ, để có thể xây dựng Điện Biên Phủ thành căn cứ “bảo vệ” Lai Châu, yểm trợ cho Luông Phrabang. Tuy nhiên, thực tế đã không cho phép Xalăng thực hiện ý đồ đó. Đặc biệt, khi được cử thay Xalăng làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Ðông Dương (5/1953), trong kế hoạch quân sự của mình (1953-1955), tướng Hăngri Nava đã rất tự tin vào kinh nghiệm của mình, nhanh chóng cho ra đời một kế hoạch quân sự mang tên của chính mình - Kế hoạch Nava. Với kế hoạch này, không chỉ Chính phủ Pháp mà cả Mỹ đều tràn đầy hy vọng và tin tưởng rằng chỉ trong 18 tháng sẽ “chuyển bại thành thắng”. Trong kế hoạch này, tướng Nava cũng chưa chú ý Điện Biên Phủ. Chỉ đến khi Hiệp định giữa Pháp và Lào được ký kết, chỉ đến khi suy nghĩ cần phải bảo vệ Thượng Lào, tướng Nava và cộng sự của ông mới nghĩ đến việc chiếm và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.

Duy có điều, đội ngũ tướng lĩnh quân sự Pháp đã bỏ sót và không tính đến một sự thật: Đó là, địa thế tự nhiên của Điện Biên Phủ tuy rất thuận lợi để xây dựng một căn cứ lục quân - không quân kiên cố, nhưng sẽ trở nên “trơ trọi”, dễ bị uy hiếp và khó khăn cho công tác chi viện, hậu cần khi bị bao vây, chia cắt.

Về phía quân ta, trước việc quân Pháp tập trung quân cơ động nhằm tạo nên sức mạnh, giữ thế phòng ngự trong chiến cuộc 1953 -1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phương hướng chiến lược của quân ta là “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”[1]. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo tháng 9/1953, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình địch, cân nhắc kỹ thế trận giữa ta và địch, thật bình tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bàn tay mình lên bàn và bỗng Người giơ lên, nắm lại rồi nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh…Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó cũng sẽ không còn. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng”[2].

Cũng theo Đại tướng, bản đề án tác chiến của Tổng quân uỷ được Bộ Chính trị thông qua; trong đó, ta chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực phối hợp với các lực lượng địa phương chủ động mở các cuộc tiến quân lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên để phân tán lực lượng địch, nhưng vẫn lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính, còn các hướng khác chỉ là hướng phối hợp. Người và Bộ Chính trị cũng đồng thời nhấn mạnh: Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phương châm hành động là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là “đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt. Chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh”.

Với tinh thần chỉ đạo đó, thông qua 5 đòn chiến lược và cách điều quân cơ động tài tình: Tiến công Tây Bắc, tiêu diệt phần lớn quân địch ở Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; tiến công vào Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt; tiến xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven; mở cuộc tiến công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum, nối liền với khu giải phóng Hạ Lào; và bất ngờ tiến công Thượng Lào, uy hiếp Luông Phrabang vào hạ tuần tháng 1/1954, chúng ta đã điều động được lực lượng địch, thu hút quân địch đến những chiến trường có lợi cho quân ta và buộc khối cơ động chiến lược của Nava phải phân tán “thành nhiều nhóm nhỏ”. Năm đòn chiến lược đó đã làm cho kế hoạch Nava từng bước bị đảo lộn và phá sản. Tướng Nava đã không thể “luôn luôn tiến công”, “luôn luôn chủ động” và càng không thể chuyển bại thành thắng trong vòng 18 tháng như trù tính.

ĐIỆN BIÊN PHỦ - TẬP ĐOÀN CỨ ĐIỂM MẠNH NHẤT ĐÔNG DƯƠNG THẤT THỦ

Sau ngày 20/11/1953, khi phát hiện quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, tướng Nava đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Khác với kế hoạch Nava và kế hoạch tác chiến của quân ta lúc đầu, với vai trò là một “tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương”, từ đây, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi sẽ diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa quân ta và thực dân Pháp. Như vậy, “số phận của Nava đã được định đoạt từ cuộc họp ở Tỉn Keo”[3] khi Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954; nhất là khi tướng Nava “quyết định tiếp nhận chiến đấu ở Tây Bắc”, quyết định “chiến đấu bảo vệ Tây Bắc sẽ xoay quanh căn cứ lục quân, không quân Điện Biên Phủ mà phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào”.

Lựa chọn Điện Biên Phủ, quyết định của tướng Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương; đồng thời, lựa chọn nơi này làm điểm kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài gần một thập niên của người Pháp khi đó đã nhận được nhiều ý kiến phản đối của một số tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp quân đội viễn chinh. Quyết định này của Nava cũng đã làm cho người Mỹ, làm cho Tổng thống Aisenhao (Eisenhower) - người “trước đó chỉ tập trung vào Lào chứ không phải là Việt Nam”, đồng thời từng “tuyên bố Lào là chiếc chìa khoá hiện nay cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á”[4] đã ngỡ ngàng đến không ngờ về tầm cỡ lịch sử của Điện Biên Phủ.

Quan tâm đến địa bàn Đông Dương, Hoa Kỳ đã từng viện trợ và tiếp tục ký hiệp định với Pháp về viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, đương nhiên khi đó đã không thể đứng ngoài cuộc chơi. Người Mỹ đã buộc bị cuốn hút vào cuộc chiến tranh Việt - Pháp vào cuộc đọ sức quyết liệt nhất tại địa danh lịch sử vùng Tây Bắc - Điện Biên Phủ. Đế quốc Mỹ đã tăng viện trợ tài chính và vũ khí, khí tài cho thực dân Pháp ở chiến trường Đông Dương và với sự hà hơi, tiếp sức đó cùng với ảo tưởng về sức mạnh của tập đoàn cứ điểm ở lòng chảo Điện Biên Phủ, Pháp kiêu ngạo cho rằng đây sẽ là "pháo đài không thể công phá", "cối xay thịt Việt Minh"…

Trong khi đó, sau những thắng lợi to lớn của quân ta trong đợt 1 của chiến cuộc Đông- Xuân 1953-1954, kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch chiến lược Nava đã được Bộ Chính trị hạ quyết tâm vào ngày 6/12/1953. Bước vào giai đoạn 2 của chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trong hàng loạt các tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Đông Dương, quân ta đã chuyển từ việc “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh trực tiếp vào chỗ mạnh nhất của quân địch.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được trao trọng trách Chỉ huy trưởng Mặt trận và Bí thư Đảng uỷ mặt trận. Trước khi lên đường, Đại tướng đã nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh mật lệnh: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[5]. Tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, trong đó nhấn mạnh: Người và Chính phủ “chờ tin thắng lợi để khen thưởng”. Ngày 22/12/1953, nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ Quyết chiến, quyết thắng để làm giải thưởng luân lưu”[6].

Từ thực tế chiến trường, từ những khó khăn và thuận lợi của quân ta và quân địch, từ lời căn dặn “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, trưa ngày 26/1/1954, Đại tuớng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Đó chính là việc thay đổi phương châm từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” theo phương châm dốc lực đánh nhanh, giải quyết nhanh chiến dịch sang “đánh chắc, tiến chắc” và đi liền cùng đó là việc hoãn thời điểm tiến công như đã định, kéo pháo quay trở ra để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Quyết tâm mới của vị Tổng tư lệnh chỉ huy mặt trận được báo cáo ngay về Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, trong nhiều hồi ký của các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta điều biết: Với địa thế của Điện Biên Phủ, việc kéo pháo vào đã khó, song việc kéo pháo ra còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, để tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để “chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn” như Nghị quyết Trung ương đầu tháng 12/1953 chỉ rõ, nhiệm vụ khó khăn đó đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng ủy mặt trận và toàn thể các lực lượng tham chiến tại mặt trận Điện Biên Phủ thực hiện và thực hiện rất tốt. Về sự hình thành quyết định lịch sử này, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Ngay sau khi có quyết định thay đổi cách đánh, tôi xin ý kiến của Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào chiến dịch. Tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn”[7].

Sau đó, khi công việc chuẩn bị chiến dịch theo phương châm “đánh chắc tiến chắc” đã hoàn thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ và nhấn mạnh: Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Với trách nhiệm trước lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị giao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những tính toán và quyết đoán chiến thuật đặc biệt; đã nhiều lần điều chỉnh thời gian mở màn chiến dịch. Cuối cùng, giờ khai hỏa chiến dịch, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã điểm vào xế chiều ngày 13/3/1954, pháo binh ta dội lửa vào cứ điểm Him Lam, sau hơn 5 giờ, ta đã xóa sổ cứ điểm quan trọng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vất vả và đầy gian khó, qua ba đợt tiến công, đến ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn…

2

Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7/5/1954).
Ảnh tư liệu

 

Ngày 15/5/1954, Trung Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ và nhấn mạnh: Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở: Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ.

ÂM VANG MÃI HÀO KHÍ ĐIỆN BIÊN

Điện Biên Phủ là một bài ca chiến thắng của quân và dân ta, của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt- Lào, sự giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc và sự chi viện đầy tình nghĩa của những người anh em xã hội chủ nghĩa, Liên xô, Trung Quốc. Thắng lợi to lớn, có ý nghĩa quan trọng này đã góp phần quyết định đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ðông Dương, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc trong niềm vui sướng hân hoan của Việt Nam nói riêng, của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung và trong nỗi ngậm ngùi của người Pháp và người Mỹ.

Chiến thắng vĩ đại “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”[8], và đó thực sự là một nghịch lý đau xót của Pháp và Mỹ ở Đông Dương. Chiến thắng đó là kết quả tổng hợp sự kế thừa truyền thống quân sự của cha ông ta trong lịch sử; tinh thần đoàn kết của quân dân Việt Nam, của nhân dân ba nước Đông Dương và vượt lên trên hết thảy, đó là một Hồ Chí Minh bản lĩnh và điềm tĩnh, nhạy bén và chính xác trong từng quyết định. Người đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo nhân dân ta từ hậu phương đến tiền tuyến đồng tâm, đồng lòng, đồng sức trường kỳ kháng chiến, toàn dân, toàn diện kháng chiến; từng bước đưa thế trận chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam lên một đỉnh cao mới và đi đến kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương.

Một trong những thành công của Bộ chỉ huy tối cao (lãnh tụ Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị) và Bộ Tư lệnh mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, góp phần làm nên thắng lợi vang dội này, chính là việc “đánh địch bằng mưu, đánh địch bằng thế”, “nhỏ đánh lớn phải dĩ nhu xử cương”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”, v.v.. trên một đất nước Việt Nam nhỏ bé (chiến trường hẹp), có truyền thống yêu nước, có bề dày hàng ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm. Không chỉ có vậy, truyền thống đoàn kết, vượt mọi khó khăn, tinh thần và ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do cùng những bài học kinh nghiệm trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được vận dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển; và lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng” đã được thực hiện thành công trong từng thời điểm của cuộc kháng chiến và trong cả tiến trình lịch sử.

Tuy nhiên, chiến thắng Điện Biên Phủ chưa thể đem đến cho nhân ta, đất nước ta một nền hòa bình, thống nhất trọn vẹn. Vì vậy, tiếp tục kế thừa và phát huy nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc và nghệ thuật quân sự thời đại Hồ Chí Minh anh hùng, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau 21 năm trường kỳ kháng chiến. Với Đại thắng mùa Xuân 1975, một trang sử mới, một kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên dải đất hình chữ S đã, đang và ngày càng thu được nhiều thành tựu rất đỗi tự hào. Chiến thắng Điện Biên Phủ hàm chứa những giá trị tinh thần lớn lao, những giá trị văn hóa cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, khát vọng độc lập, tự do… sẽ mãi trường tồn và nhân nguồn sức mạnh của cả dân tộc trên hành trình đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc. Khúc ca đó, hào khí đó luôn được tiếp nối và phát huy không ngừng bởi nhiều thế hệ người Việt Nam sẽ nhất định được nhân lên trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, quyết tâm phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo để lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc chiến tranh Việt - Pháp (1946-1954) đã lùi vào lịch sử 65 năm, song mỗi khi nhắc đến Điện Biên Phủ, đến Việt Nam, người Pháp và cả người Mỹ vẫn không khỏi ngỡ ngàng, bởi với họ: Sự kiện Điện Biên Phủ năm xưa, tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiên đoán của Người về một trận quyết chiến chiến lược, “trận đánh cuối cùng” đã trở thành lịch sử và đi liền cùng chiến thắng đó là một Việt Nam - Hồ Chí Minh trở thành thiên thần thoại trong lịch sử thế giới đương đại.

Vào một buổi chiều tháng 3/1954, tại Bộ não chỉ huy ở căn cứ địa Việt Bắc, khi nói về triển vọng của cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất điềm tĩnh khẳng định với nhà báo Úc - Bớc Sét (Wilfred Burchett) rằng: Lòng chảo Điện Biên Phủ là “hình tượng một chiếc mũ lật ngược”, mà vành mũ là những dãy núi, còn phía dưới là thung lũng Điện Biên Phủ. Nơi dãy núi là nơi quân đội Việt Nam đang ở, còn phía thung lũng là nơi quân Pháp với những đội quân tinh nhuệ nhất đang chiếm đóng... nên là, chắc chắn rằng: “Họ sẽ không bao giờ ra được”[9].

Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành sự thật!

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã phất cao ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Tinh thần gian khổ hy sinh, đoàn kết chiến đấu, quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Với thắng lợi vĩ đại này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Việt Nam đã kết thúc; đồng thời, mang lại cho chúng ta một vị thế mới trên bàn đàm phán của Hội nghị Giơnevơ năm 1954.

65 năm sau chiến thắng vang dội có ý nghĩa thời đại đó (7/5/1954 - 7/5/2019), vẫn kiên cường và kiên định thực hiện khát vọng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, một đất nước Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới đã, đang và sẽ kế thừa, phát huy sức mạnh, giá trị tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, của Đại thắng mùa Xuân 1975 để vững bước trên con đường hội nhập quốc tế. Tinh thần bất diệt của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh nội lực, tiếp sức cho dân tộc ta, nhân dân ta giành những thắng lợi mới trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

TS. Văn Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Trung ương

--------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.7, tr.13

[2] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, tr. 25

[3] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, tr. 27

[4] La Côn: Điện Biên Phủ - Những điều chưa thấy hết, Tạp chí Xưa & Nay, số 62, 4/1999, tr.9

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.6, tr.535

[7] Võ Nguyên Giáp: Ðiện Biên Phủ - Xưa và nay, Tạp chí Xưa & Nay, số 2, 1994, tr.8

[8] C.B- Đ.X- T.L- Chiến sĩ, Trần Lực: Nói chuyện Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1972, tr.295

[9] U. Bớc sét: Hồi ký, Nxb. Thông tin lý luận, H, 1980, tr.254

tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
kqkkr1

22/2023/TT-BNNPTNT

Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp

lượt xem: 2204 | lượt tải:155

16/2023/TT-BNNPTNT

Thông tư 16/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng

lượt xem: 1851 | lượt tải:171

29/2023/NĐ-CP

Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

lượt xem: 1479 | lượt tải:89

123/BNN-TCLN

Công văn V/v tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, cháy rừng

lượt xem: 2410 | lượt tải:182

111/2022/NĐ-CP

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

lượt xem: 2276 | lượt tải:114
Logo liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 1,949

Hôm qua: 3,463

Tháng hiện tại: 36,059

Tháng trước: 289,886

Tổng lượt truy cập: 1,994,281

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây