Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền, kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019)

Thứ bảy - 06/04/2019 00:23 282 0
TẢI FILE TAI ĐÂY
 
Đề cương tuyên truyền
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH -
NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN 
 (19/5/1959 – 19/5/2019)

I. NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP

Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954) buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đất nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, dựng lên chế độ tay sai, xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp dã man phong trào cách mạng, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta và thôn tính miền Bắc. Nhân dân ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) khẳng định phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng.

Thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Ngày 19/5/1959 trở thành Ngày truyền thống của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Lực lượng ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: xây dựng bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường...

Đoàn 559 đã chọn Khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử tiến vào Trường Sơn soi đường, lập trạm, lấy sức người gùi là chính trên con đường nhỏ hẹp. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là “ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng”. Các “đường dây” gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng, bảo đảm “tuyệt đối bí mật, an toàn” của tuyến đường.

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặt nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên (20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường). Đây là cái mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện sự kết tinh của tình dân ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi gắm tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Cũng trong tháng 5/1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu V soi đường nối hai chiến trường Khu V và Nam Bộ, nối thông hành lang chiến lược Nam - Bắc. Đoàn B90 (gồm 25 cán bộ, chiến sĩ) ngày 20/6/1959 vượt thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền Tây Trị - Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó Liên khu V quyết định sáp nhập Đoàn B90 với đội vũ trang công tác tỉnh Đắc Lắc lấy phiên hiệu là B4 do Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc phụ trách; B4 chia thành 2 bộ phận soi đường vào Nam Bộ.

Để đẩy mạnh việc chi viện cho miền Nam, đặc biệt là Nam Bộ, Khu 6; Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy chủ trương mở tuyến chi viện đường biển. Đoàn 559 được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến vận tải này. Tháng 7/1959, tiểu đoàn 603 vận tải biển thuộc Đoàn 559 được thành lập, biên chế 107 cán bộ, chiến sĩ (90% là đảng viên) đóng tại Cảng cá Thanh Khê (cách cửa sông Gianh, Quảng Bình 4 km), lấy danh nghĩa là “Tập đoàn đánh cá miền Nam", sau bàn giao cho Hải quân quản lý. Như vậy, cuối năm 1959 tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn được thiết lập, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với chiến trường miền
Nam.

Tuy mới nửa năm thành lập, vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng, vừa soi lối mở đường, vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, tuyến vận tải quân sự chiến lược cũng như sự có mặt của từng con người, khẩu súng, viên đạn ở chiến trường lúc này (tuy còn ít ỏi) song có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới - cao trào “Đồng khởi”, mở ra một bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng luôn luôn theo dõi sát sao từng bước đi của Đoàn 559. Trong thư gửi Đoàn 559 nhân dịp Xuân Canh Tý (1960), Tổng Quân ủy đánh giá: “Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta... Tinh thần yêu nước, cách mạng cao, nên đã vượt mọi khó khăn gian khổ, đạt được những kết quả bước đầu rất tốt đẹp...”

II. TRƯỞNG THÀNH NHANH CHÓNG VÀ NHỮNG KỲ TÍCH ANH HÙNG CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRONG SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC VÀ THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUỐC TẾ VẺ VANG

Phong trào cách mạng ở miền
Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát triển mạnh mẽ. “Đồng khởi” thắng lợi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, công cuộc giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi sự chi viện lớn lao hơn về sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương lớn của cả nước.

Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến vận tải quân sự chiến lược - Đường Hồ Chí Minh, nên đế quốc Mỹ và tay sai đã tìm trăm phương, ngàn kế để đánh phá, ngăn chặn với đủ loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng quyết liệt.

Trước sự đòi hỏi ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 phải phát triển nhanh chóng cả lực lượng và phương thức vận chuyển. Với chân lý sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước đã đứng lên “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ trong sức mạnh đó, Đoàn 559 từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã từng bước trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), pháo cao xạ, bộ binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, luôn luôn chủ động đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường. Quân số cả Đoàn 559 có lúc đã lên tới 20 vạn người.

Về phương thức vận chuyển, từ gùi thồ tiến lên vận tải bằng cơ giới, từ một tuyến cơ giới đã phát triển thành một mạng đường cả Đông và Tây Trường Sơn, phục vụ cho xe chạy ban đêm, “đường kín” cho xe chạy ban ngày bất chấp dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, làm nên cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968,  1972, chiến thắng đường 9 Nam Lào. Đặc biệt là từ năm 1973 đến 1975, bộ đội đường Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng cơ bản, tu sửa nâng cao chất lượng cầu đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển hai chiều từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới các chiến trường. Khi cuộc tổng tiến công phát triển xuống đồng bằng Trung Trung Bộ và Cực Nam Trung Bộ, Bộ đội Trường Sơn đã triển khai lực lượng công binh dọc theo Quốc lộ 1, bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng 30/4/1975.

Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước bất cứ khó khăn, gian khổ, ác liệt nào. Cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng. Con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng liêng rực lửa. Bộ đội Trường Sơn đã thắng địch, làm nên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh, con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lực lượng cầu đường đã nguyện làm “tường đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ, giành giật lại từng thước đường, “máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. Một đường bị chặn, hai, ba đường mới xuất hiện. Đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày, “đường kín” xuất hiện. Địch đánh một, ta làm mười, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong Trường Sơn đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông và Tây Trường Sơn vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ôtô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và xây dựng hàng ngàn cầu, cống, ngầm...

Lực lượng vận tải từ bí mật luồn rừng, mang vác tiến đến cơ giới hóa vận tải trên đường bộ, vận tải bằng đường sông, vận chuyển xăng dầu bằng đường ống hợp thành một binh chủng vận tải cơ giới phát triển đến đỉnh cao trong việc bảo đảm khối lượng cơ sở vật chất đồ sộ và cơ động đáp ứng các yêu cầu của lực lượng chiến đấu chủ lực của Bộ cho các chiến trường. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, cán bộ, chiến sĩ, lái xe, thợ máy xứng đáng với danh hiệu “gan vàng, dạ ngọc”, thà hy sinh trên tay lái, “còn người, còn xe, còn hàng”; luôn luôn chủ động, táo bạo vượt lên trên tất cả mọi thủ đoạn xảo quyệt với những phương tiện hiện đại, sự đánh phá ác liệt của địch, để chạy đêm, chạy ngày, lấn sáng, lấn chiều, chạy đội hình nhỏ, chạy đội hình lớn, chạy cung ngắn, cung dài... tranh thủ mọi thời cơ, lợi dụng sơ hở của địch, gây cho địch hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Kẻ địch dù rất hung hãn và giàu phương tiện chiến tranh hiện đại cũng đành bất lực.

Lực lượng pháo phòng không, từ những phân đội nhỏ ban đầu, đã nhanh chóng phát triển thành những lực lượng chiến đấu lớn, đủ sức đánh địch trên không, bảo vệ thắng lợi công cuộc chi viện chiến lược. Cán bộ, chiến sĩ phòng không đã xứng đáng với danh hiệu “đánh giỏi, bắn trúng”, luôn luôn quay nòng pháo theo hướng xe lăn, đánh nhỏ, đánh lớn, đánh ngày, đánh đêm đều giỏi, đã bắn rơi 2.455 máy bay giặc Mỹ trên mục tiêu bảo vệ. Trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào, lực lượng phòng không bộ đội Đường Hồ Chí Minh tạo ra những lưới lửa dày đặc, đập tan chiến thuật cơ động ồ ạt bằng máy bay lên thẳng của Mỹ - Ngụy.

Lực lượng bộ binh, từ những phân đội nhỏ đến Trường Sơn sớm nhất để bảo vệ tuyến đường, đã nhanh chóng hình thành binh đoàn lớn, đủ sức đập tan những cuộc hành quân ngăn chặn của địch. Đỉnh cao nhất là góp phần đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - Ngụy ra đường 9
Nam Lào (năm 1971). Bộ đội Trường Sơn đã đánh hàng ngàn trận chống hành quân lấn chiếm, biệt kích, thám báo của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.000 tên địch, bắt sống 1.190 tên, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự và hàng ngàn súng các loại. Các đơn vị bộ binh Trường Sơn xứng đáng là lực lượng xung kích, liên tục tiến công tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, tạo và mở rộng địa bàn: hoạt động cho tuyến chi viện chiến lược. Các đơn vị làm nhiệm vụ vận động quần chúng, xây dựng cơ sở giúp bạn Lào luôn luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, góp phần tăng cường tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Lực lượng giao liên, với đôi chân vạn dặm bảo đảm hành quân, đưa đón bố trí nơi ăn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương binh, bệnh binh vào, ra các chiến trường an toàn, bí mật, xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”.

Cán bộ cơ quan chỉ huy, lực lượng thông tin, cơ yếu, quân y, lực lượng kỹ thuật, đội ngũ làm công tác văn hóa văn nghệ... đã ngày đêm bám sát tuyến đường phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy và các lực lượng khác hoàn thành nhiệm vụ.

Các lực lượng bộ đội đường Hồ Chí Minh càng chiến đấu, càng trưởng thành vững chắc về mọi mặt. Đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ từ trung đội đến trung đoàn, hàng vạn lái xe, thợ sửa chữa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. Thường xuyên tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng và công tác Đảng, công tác chính trị, coi trọng tổng kết thực tiễn, nên đã giải quyết thành công nhiều vấn đề khó khăn, thử thách, ác liệt của thực tiễn chiến trường đặt ra trên vấn đề tư tưởng, tác chiến hợp đồng binh chủng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, quân đội, nhân dân giao phó.

Suốt 16 năm, đường Trường Sơn luôn luôn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Trường Sơn là chiến trường thực nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến trường bóp nghẹt” bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và các loại vũ khí, thiết bị tối tân, hiện đại của nền khoa học công nghệ của đế quốc Mỹ. Núi rừng Trường Sơn luôn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại bởi hơn 3 triệu tấn bom đạn, hóa chất độc của địch trút xuống, gây tổn thất nhiều về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hơn hai vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn hy sinh, gần 3 vạn cán bộ, chiến sĩ bị thương và hàng vạn người mang thương tích chất độc màu da cam/dioxin, 14.500 xe máy, 703 súng pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa bị phá hỏng.

Bằng sự cống hiến, hy sinh to lớn của mình, bộ đội đường Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đường huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ đội đường Hồ Chí Minh xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng Huân chương Hồ Chí Minh. 77 đơn vị, 44 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, hàng trăm đơn vị, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương các loại.

III. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Nguyên nhân:

Chặng đường phấn đấu hy sinh đầy khí phách anh hùng và tài năng sáng tạo của bộ đội đường Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ, sinh động bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Thắng lợi đó trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh.

Thắng lợi ấy không tách rời sự hỗ trợ của các bộ, các ngành; sự phối hợp của các quân chủng, binh chủng, các chiến trường; sự chi viện của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh; sự giúp đỡ hết lòng của quân và dân Lào, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Đó là thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm chiến đấu ngoan cường của toàn thể cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong... trên đường Hồ Chí Minh đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức chỉ huy, nghệ thuật hiệp đồng quân, binh chủng của bộ đội đường Hồ Chí Minh.

2. Bài học kinh nghiệm:

Từ thực tiễn chiến đấu và hoạt động chi viện đầy gian lao thử thách, bộ đội đường Hồ Chí Minh, rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử vô cùng quý báu, những giá trị sáng tạo mới về khoa học và nghệ thuật quân sự.

- Thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết của Trung ương Đảng, các chỉ thị, mệnh lệnh của Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh. Vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào tuyến vận tải quân sự chiến lược.

- Sớm khẳng định lấy vận tải cơ giới là phương thức chủ yếu.

- Xác định đúng vị trí của cơ sở hạ tầng, lấy xây dựng mạng đường giao thông đi trước một bước là vấn đề sống còn của tuyến đường Hồ Chí Minh.

- Xây dựng con người về chính trị, tư tưởng, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ chỉ huy là yếu tố hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ.

- Tổ chức, phát triển bộ đội hợp thành.

- Xây dựng thành công căn cứ chiến lược trực tiếp cho các chiến trường.

(Nguồn: Sổ tay Báo cáo viên năm 2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương)
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
kqkkr1

22/2023/TT-BNNPTNT

Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp

lượt xem: 2428 | lượt tải:176

16/2023/TT-BNNPTNT

Thông tư 16/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng

lượt xem: 2114 | lượt tải:212

29/2023/NĐ-CP

Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

lượt xem: 1611 | lượt tải:93

123/BNN-TCLN

Công văn V/v tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, cháy rừng

lượt xem: 2618 | lượt tải:192

111/2022/NĐ-CP

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

lượt xem: 2468 | lượt tải:119
Logo liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 21

Hôm nay: 1,619

Hôm qua: 1,784

Tháng hiện tại: 17,203

Tháng trước: 103,525

Tổng lượt truy cập: 2,078,950

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây