Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền trên biển

Thứ ba - 30/07/2019 21:56
Việt Nam luôn thực tâm mong mỏi và quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông. Song, Việt Nam với tinh thần hòa bình cũng luôn kiên quyết và kiên trì đấu tranh không khoan nhượng bằng mọi biện pháp trước hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp, được công nhận theo luật pháp quốc tế của mình. 
Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng trên biển

Một lần nữa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam lại bị đe dọa, xâm phạm khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông tháng 7-2019. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. “Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên” – Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông bị đe dọa

Những ngày qua, dư luận quốc tế và những phân tích về pháp lý dựa trên Công ước UNCLOS 1982 – một văn bản luật pháp đồ sộ được xem như Hiến pháp của thế giới về đại dương đã được 157 quốc gia trên thế giới ký kết và cam kết tuân thủ, đã khẳng định rõ ràng rằng, khu vực bãi Tư Chính mà nhóm tàu Hải Dương 8 đang hoạt động trái phép là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Dựa trên các quy định được Công ước UNCLOS 1982 công nhận và bảo hộ, bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia đã được xác lập tại Công ước UNCLOS 1982. Bất kỳ ai xâm phạm vào vùng biển Tư Chính là vi phạm chủ quyền được thừa nhận và bảo hộ theo chuẩn mực luật pháp quốc tế của Việt Nam.

Việc nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động phi pháp ở khu vực bãi ngầm Tư Chính là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có các hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Trung Quốc trước đó đã dùng vũ lực xâm chiếm, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974; một số bãi đá, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Việt Nam trên thực tế đã hiện diện, quản lý liên tục từ xa xưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đồng thời có những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền không thể bác bỏ của mình đối với các hòn đảo và bãi đá mà Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm, chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào các năm 1974 và 1988.

Dùng vũ lực xâm chiếm, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 đã cho thấy tham vọng của Trung Quốc khống chế và bành trướng trên Biển Đông – vùng biển có vị trí địa chính trị trọng yếu trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Tham vọng của Trung Quốc bộc lộ và công khai từ năm 2009 khi nước này công bố bản đồ thể hiện yêu sách phi lý về “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn”) “nuốt trọn” tới khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Cũng kể từ khi công khai tham vọng đòi hỏi chủ quyền phi lý đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông, một vùng biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan với tổng diện tích khoảng 3.447.000 km2, Trung Quốc sẵn sàng có những hành vi hung hăng, gây hấn nhằm hiện thực hóa tham vọng kể trên, bất chấp bị cả khu vực và cộng đồng quốc tế lên án phản đối mạnh mẽ. Những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế cũng như cam kết, thỏa thuận khu vực và quốc tế đã đồng thời tạo mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, một tuyến vận tải biển huyết mạch toàn cầu. 

Trung Quốc trong vòng 5 năm qua đồng thời đã tăng cường một cách ráo riết hoạt động bồi đắp 7 bãi đá ngầm mà họ chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với tổng diện tích lên tới hơn 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa hiện nay), trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000 m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất cánh, hạ cánh. Đồng thời với việc bồi đắp phi pháp các thực thể chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc cũng ráo riết tiến hành quân sự hóa tại đây. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên 3 thực thể – đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những diễn biến gây căng thẳng và thay đổi hiện trạng trên Biển Đông khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Biến vùng biển không có tranh chấp, thành vùng biển tranh chấp

Tiến thêm một bước nguy hiểm trong hiện thực hóa tham vọng đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc từ năm 2017 còn ngang nhiên đưa ra một học thuyết mới, cái gọi là “Tứ Sa” về Biển Đông. Trong học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi ngầm Macclesfield (nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 75 hải lý về phía Đông) với 4 tên “Hán hóa” lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc toan tính coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.

Chưa dừng lại ở những nhóm đảo và bãi ngầm Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm và chiếm đóng trái phép, những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục biến những vùng biển hiện hoàn toàn thuộc chủ quyền của các quốc gia khác trên Biển Đông thành một vùng biển tranh chấp để từ đó đưa ra những đòi hỏi, yêu sách phi lý. Toan tính này đã sớm bị “vạch mặt chỉ tên” khi Trung Quốc dùng đội tàu chiến đông đảo hộ tống dàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014. Việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động trái phép tháng 7-2019 này trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông chính là hành vi cố tình “biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”.

Vì thế, các học giả và nhà phân tích về Biển Đông trên thế giới đều đưa ra nhận định rằng, Trung Quốc trong quá trình thực hiện tham vọng “đường lưỡi bò” chắc chắn sẽ còn tiếp tục có những hành động ngang nhiên, hung hăng, gây hấn trên Biển Đông!

Cộng đồng quốc tế cùng Việt Nam nỗ lực vì hòa bình, an ninh Biển Đông

Nêu rõ về các biện pháp Việt Nam đang sử dụng để đối phó với nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm chủ quyền của nước ta, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật để duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không. Việt Nam cũng đồng thời đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, bởi đó là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.

Nhấn mạnh tới mong muốn duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông vì lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Những biện pháp kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền trong khi vẫn nêu cao trách nhiệm, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông của Việt Nam được các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; xem đó là cách thức giải quyết đúng đắn và phù hợp những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông.

Những căng thẳng thời gian qua trên Biển Đông, nhất là hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mới đây nhất, do Trung Quốc ráo riết hiện thực hóa tham vọng trên vùng biển chiến lược trọng yếu này chắc chắn được đề cập, bàn thảo trong dịp Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC+) diễn ra từ ngày 30-7 đến 3-8 tới tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Các nguồn tin báo chí cho biết, trong dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN, các nước ASEAN sẽ bày tỏ quan ngại về những hành động hiện nay của Trung Quốc “làm xói mòn lòng tin” và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. 

Chính nghĩa của Việt Nam trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông vì thế được tiếp thêm sức mạnh từ sự ủng hộ của dư luận và các nước khu vực cũng như trên thế giới.

ANTD.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây