Đang truy cập: 25
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 24
Hôm nay: 1,128
Hôm qua: 944
Tháng hiện tại: 33,872
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,234,103
- Đang truy cập25
- Hôm nay1,128
- Tháng hiện tại33,872
- Tổng lượt truy cập2,234,103
Lời tòa sạn!
Đất nước ta từ xưa đã được mô tả ngắn gọn trong câu ngạn ngữ “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền,” tức có ba phần núi, một phần ruộng, còn biển đảo chiếm tới bốn phần. Đó là cách nói ước lệ để chỉ đặc trưng địa lý mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho đất nước Việt Nam, rằng biển bao bọc trọn dải đất hình chữ S từ Bắc tới Nam.
Không chỉ giữ vị trí địa chiến lược, an ninh quốc phòng quan trọng, vùng biển Việt Nam còn nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và “ôm” trọn con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương-là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, được ví như huyết mạch nối liền Đông và Tây bán cầu.
Với lợi thế nêu trên, Nghị quyết 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã đặt ra mục tiêu là đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Đồng thời xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh và một số khu kinh tế chủ lực ở ven biển.
Với tinh thần trên, sau 10 năm Nghị quyết Trung ương 4 về Chiến lược biển ra đời, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan, Chính phủ tích cực hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết Trung ương đặt ra, trong đó lấy sự thay đổi tư duy hướng mạnh ra biển làm tiền đề thay đổi căn bản diện mạo kinh tế biển Việt Nam.
Tuy vậy, nhìn nhận tổng thể cho thấy, những thay đổi vẫn chưa đạt được kỳ vọng, hạn chế tồn tại còn nhiều. Quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế biển còn yếu, quy hoạch không gian biển còn rời rạc, hệ thống pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh. Trong khi đó, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp và có tác động mạnh mẽ đến quá trình thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Từ thực tế trên, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, ngày 6/10, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển lớn.
Đây cũng chính là sự kỳ vọng của đất nước không chỉ với hôm nay, mà còn là khát vọng vươn ra biển, giàu lên từ biển, để Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Bài 1: Thay đổi toàn diện tư duy hướng mạnh ra biển
Trong suốt hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam luôn coi biển cả là “cánh cửa” để đất nước hướng ra thế giới. Từ xa xưa, những con thuyền lá tre mong manh của người Việt đã vượt sóng gió đại dương để khai thác nguồn lợi hải sản và cũng là để xác lập chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Với tầm quan trọng của biển, những năm qua, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển đã được thực thi và dần trở thành hiện thực. Những con tàu vỏ thép, những con tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ lần lượt xuất hiện. Những nghiệp đoàn nghề cá ra đời gắn kết ngư dân. Lực lượng Cảnh sát biển được thành lập nhằm thực thi pháp luật trên biển. Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013...
Tất cả những chuẩn bị trên cho thấy Chiến lược biển Việt Nam đã thay đổi toàn diện tư duy hướng mạnh ra biển, để nước ta sớm trở thành quốc gia biển mạnh.
Biển là cửa ngõ hướng ra thế giới
Đến xã biển Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) dịp này, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những căn nhà lầu tiền tỷ “mọc” san sát. Quỳnh Long là “cái nôi” của những dòng tộc có truyền thống vươn khơi lâu đời. Ở đây, chẳng bao giờ thấy người dân kêu biển nghèo nàn, hay chê vùng quê lạc hậu.
“Quyết tâm bám biển, làm giàu từ biển” - khẩu hiệu ấy giống như khí chất truyền thống của dân làng và hành trình mưu sinh của họ, khởi nguồn từ đất liền ra đại dương, cần mẫn đánh bắt rồi mang của cải, “lộc” biển về lại đất liền làm giàu.
Trước đây, những thế hệ ông cha “bám biển” ra khơi đánh bắt với phương tiện chỉ là ghe bầu, lái bằng buồm, ban đêm phải thắp đèn bão để dò đường. Các thế hệ sau này được tiếp cận với ghe máy, rồi đến tàu cá công suất lớn được gắn trang thiết bị đánh bắt ngày càng cải tiến, hiện đại.
“Khoảng 10 năm trước, trên địa bàn chỉ khoảng 50 con tàu vươn khơi. Thế nhưng, đến nay, con số ấy đã lên đến 160 tàu, trở thành ‘xã biển di dộng’ kết nối đất liền với biển cả, làm giàu bằng nghề đánh bắt cá giữa đại dương,” ông Trần Văn Nguyện-Chủ tục Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Long chia sẻ.
Quỳnh Long là xã vùng biển, trong đó nghề khai thác thủy sản là nghề truyền thống và cũng là nghề kinh tế chủ đạo. Tỷ trọng kinh tế biển chiếm 58% của nền kinh tế xã. Hiện tổng số lao động nghề cá bình quân dao động 1.800-2.000 lao động, với thu nhập bình quân đầu người trong năm 2018 là 40 triệu đồng/người.
Đến nay, quanh xã biển Quỳnh Long đâu đâu cũng thấy nhà lầu, “biệt phủ” có trị giá hàng chục tỷ đồng mọc san sát nhau. Hỏi thì người dân cho biết, nhà lầu, “biệt phủ” toàn của các ngư dân ra khơi đánh cá. Có những thợ giờ đã mở cửa hàng, thành lập công ty thủy sản, mở xưởng đóng tàu với hàng chục lao động.
“Với người dân bám biển như chúng tôi, biển không chỉ là không gian sinh tồn, nơi kiếm ăn, mà còn là cửa ngõ hướng ra biển lớn, để thay đổi diện mạo cuộc sống, kinh tế của từng hộ gia đình, địa phương,” ông Nguyễn Văn Định, một người dân ở xã biển Quỳnh Long phấn khởi chia sẻ.
Đánh giá từ góc độ ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta đã chuyển đổi tư duy hướng mạnh ra biển, xác định biển là cửa ngõ để hướng ra thế giới. Hình thành hướng phát triển kinh tế xã hội dựa vào tiềm năng, thế mạnh của biển để phát triển.
Có thể nói, Nghị quyết 09 là một chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Nghị quyết đã nhấn mạnh đến “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển,...”
Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với bối cảnh và thực tế ở Biển Đông, là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế và là sự tiếp nối xuyên suốt trong đường lối của Đảng: “Xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc.”
Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Chiến lược biển Việt Nam đã mang lại những thành tựu, kết quả thực sự nổi bật. Trước tiên là nhận thức của hệ thống chính trị, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là thay đổi tư duy không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, đồng thời tập trung vào các nhiệm vụ phát triển trọng điểm, bảo tồn các giá trị của biển.
Với các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, hiện nay, các khu vực, các địa phương ven biển đã thu hút rất lớn các nguồn lực đầu tư của xã hội, và đóng góp của kinh tế biển cũng tăng lên hàng năm chiếm 65 - 70% GDP cả nước.
Đặc biệt, hiện nay, với Chiến lược biển, Việt Nam đã có hướng phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, để hỗ trợ các tỉnh ven biển kết nối với thế giới trong các lĩnh vực về phát triển du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải. Ngoài ra, chúng ta cũng có những định hướng quan trọng để giữ gìn an ninh biên giới, biển đảo tốt hơn.
“Nếu đánh giá về tổng thể, kết quả thực hiện chiến lược là cơ bản mở ra hướng mới, những tiềm năng thế mạnh mới. Việt Nam được khẳng định là một quốc gia biển, và chúng ta đã có lộ trình, bước đi để trở thành một quốc gia biển mạnh,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Ngoài những thành quả đã đạt được, thời gian qua cũng xảy ra những “bài học kinh tế lớn” liên quan đến Vinaline, Vinasin… Những “hạt sạn” này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do suy thoái kinh tế thế giới, còn những vấn đề khác do sai sát trong lựa chọn mô hình, các doanh nghiệp phát triển, một số vấn đề quyết định có phần nóng vội đã dẫn tới những sự cố đáng tiếc.
Tuy nhiên, theo vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường, thì những “hạt sạn” nêu trên không chi phối nhiều đến những kết quả, thành công mà chúng ta đã nỗ lực làm được trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời đó cũng là bài học để Việt Nam thay đổi phương thức quản lý có trọng tâm và hướng tới phát triển bền vững hơn.
“Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, có nghĩa là chúng ta cần phải nâng cao các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để kiểm soát các nguồn đầu tư trong và ngoài nước; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là đầu tư công nghệ, kiểm soát tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn..,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cơ hội phát triển bền vững từ biển
Cùng với việc thay đổi tư duy hướng mạnh ra biển, những năm qua, tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam cũng đã được các địa phương đẩy mạnh, qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững từ biển; chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện.
Ông Tạ Đình Thi-Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, hiện kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu quả…
Trong lĩnh vực kinh tế, trong suốt hơn 10 năm qua, kinh tế biển và ven biển luôn đóng góp hơn 30% vào GDP cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của người dân sống ở 28 tỉnh-thành phố ven biển tăng lên 4,84 lần (cao hơn mức trung bình chung của cả nước là 4,79 lần). Các ngành nghề kinh tế biển mũi nhọn đều đạt được những thành tựu thuyết phục.
Quá trình hướng mạnh ra biển, an ninh cơ bản đã được bảo đảm, nhiều lực lượng tiến thẳng lên hiện đại trở thành nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh, bảo đảm trật tự và thực thi pháp luật trên biển; bảo đảm an toàn cho người dân cũng như các hoạt động kinh tế trên biển và các khu vực ven biển.
Về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển đảo cũng đã được triển khai chủ động, toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi chính đáng của quốc gia dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước ta.
Trong một thời gian ngắn, du lịch, nghỉ dưỡng, khai thác và chế biến hải sản đã đạt được những điểm sáng trong các ngành kinh tế thuần biển. Việt Nam cũng đã cơ bản tiến hành điều tra cơ bản tổng thể các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường với các mức độ chi tiết khác nhau trên các vùng biển, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ công tác bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2017 đạt 510,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành. Kinh tế đảo đã được thúc đẩy phát triển và có triển vọng tăng trưởng tốt.
Đến nay, ở hầu hết các huyện đảo đều đã hình thành được các khu, điểm du lịch và tổ chức các hoạt động du lịch thường xuyên đến các điểm đảo. Một số huyện đảo đã và đang trở thành những trung tâm du lịch như Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn.
Các quy định hỗ trợ phát triển khai thác hải sản giúp giá trị sản lượng khai thác và chế biển hải sản liên tục tăng trong 10 năm qua. Lĩnh vực vận tải biển cũng có bước phát triển đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ven biển.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong ASEAN và đứng thứ 30 trên thế giới về năng lực vận tải biển; đứng thứ 64/160 quốc gia về mức độ phát triển của dịch vụ hậu cần.
Tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, với tổng diện tích gần 845.000 ha; 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13.600 ha. Năm 2016, các khu kinh tế ven biển đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 130.000 lao động.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu vừa phục vụ lợi ích phát triển kinh tế biển trên Biển Đông, đồng thời bảo đảm được lợi ích an ninh và ảnh hưởng căn bản trên Biển Đông trong bối cảnh nguồn lực hạn chế. Điều này có sự góp phần quan trọng của chiến lược và triển khai hoạt động đối ngoại đúng đắn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với các nước, đặc biệt các nước lớn và góp phần củng cố đoàn kết trong ASEAN, nêu cao chính nghĩa, tạo thế và lực mới làm nền tảng cho hoạt động bảo vệ và phát triển bền vững trên biển.
“Cụ thể là, ta vừa giữ được môi trường hòa bình, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,” ông Thi nhấn mạnh.
Có thể nói, Việt Nam đã cơ bản bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế. Điển hình là vụ việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014, chúng ta đã kiên quyết và kiên trì, bền bỉ đấu tranh trên nhiều mặt trận, buộc Trung Quốc phải rút lui../.
Liên kết website
Đang truy cập: 25
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 24
Hôm nay: 1,128
Hôm qua: 944
Tháng hiện tại: 33,872
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,234,103