Hòa bình và an ninh là lợi ích sống còn ở Biển Đông

Thứ sáu - 26/07/2019 20:05 307 0
Việc Trung Quốc bất chấp chủ quyền của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế để đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng, đe dọa tới môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
ảnh 1

Tàu Hải Dương 8 (bên phải) và tàu hộ tống của Trung Quốc đã có hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông

Trong trả lời câu hỏi của phóng viên mới đây đề nghị bình luận về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17-7-2019 liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19-7-2019 cho biết, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta mạnh mẽ khẳng định, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Nhóm tàu Hải Dương 8 đã có những hành vi xâm phạm vào vùng biển

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông cũng đã bị báo chí quốc tế phản ánh rộng rãi. Báo chí quốc tế dẫn lời các chuyên gia về hàng hải và hải quân thế giới cho biết, từ đầu tháng 7, tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu  cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Tàu khảo sát Hải Dương 8 thuộc sở hữu của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (CGS) có chiều dài 88m, tốc độ tối đa 15 hải lý (28 km/h) và có thể hoạt động trong phạm vi lên đến 16.000 hải lý. Tàu sử dụng công nghệ cao để tạo ra hình ảnh 3 chiều độ phân giải cao về cấu trúc địa chất của đáy biển.

Nhóm tàu Hải Dương 8 đã có những hành vi xâm phạm vào vùng biển, theo sự khẳng định của báo chí quốc tế, là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế. Những hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực bãi Tư Chính - một bãi ngầm san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý.

Các bãi ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa. Vì thế, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào vùng biển thuộc bãi ngầm Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới. 

Cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức có phản ứng trước hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc khi đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi và bác bỏ của Việt Nam. Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nêu rõ, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi thuộc vùng lãnh hải Malaysia và Việt Nam, trong đó có việc triển khai tàu khảo sát địa chất Hải Dương 9 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh tiến hành các hoạt động khảo sát địa chất gần bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Báo cáo của AMTI cũng chỉ rõ, những hành vi của Trung Quốc ở ngoài khơi Malaysia và vùng biển Việt Nam cho thấy nước này sẵn sàng có hành động cưỡng ép và dọa dùng vũ lực để ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng.

ảnh 2


Cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam

Là quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương và đã tuyên bố “có lợi ích sống còn” trên đại dương rộng lớn nhất thế giới này, Mỹ đã có những phản ứng mạnh trước hành vi gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu mỏ và khí đốt của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm tổn hại tới thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “hành vi bắt nạt và không thực hiện những hành động khiêu khích cũng như gây bất ổn”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh: “Hành động bắt nạt của Trung Quốc” đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định ở khu vực.

Các nguồn tin báo chí khu vực dẫn các nguồn tin cho biết, trong dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự kiến diễn ra cuối tháng 7 này tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan) sẽ đề cập tới căng thẳng mới do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Trong đó, các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc “làm xói mòn lòng tin” và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. 

Dư luận khu vực và thế giới cho rằng, là cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một Ủy viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác, hữu nghị trên toàn thế giới cũng như trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc vì thế phải rút ngay nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông để làm giảm căng thẳng hiện nay. 

Việt Nam từ khi Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc, trao Công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Việt Nam cũng nêu rõ, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung sống còn của các nước trong khu vực cũng như thế giới. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này. 

Bãi ngầm Tư Chính của Việt Nam mà nhóm tàu Hải Dương 8 - Trung Quốc xâm phạm cũng nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Lý luận trước đó của Trung Quốc khi đưa ra yêu sách tranh chấp với Việt Nam là bãi này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” phi lý và đơn phương của Trung Quốc hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa”. Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã bác bỏ điều này.

Không thể dùng cái gọi là “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Trường Sa” để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính của Việt Nam là vùng tranh chấp. Khu vực này như theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không phải vùng tranh chấp. Trong lịch sử cũng như trên thực tế, Việt Nam cũng đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại đây.

ANTD.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
kqkkr1

22/2023/TT-BNNPTNT

Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp

lượt xem: 2519 | lượt tải:199

16/2023/TT-BNNPTNT

Thông tư 16/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng

lượt xem: 2337 | lượt tải:278

29/2023/NĐ-CP

Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

lượt xem: 1636 | lượt tải:102

123/BNN-TCLN

Công văn V/v tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, cháy rừng

lượt xem: 2661 | lượt tải:207

111/2022/NĐ-CP

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

lượt xem: 2507 | lượt tải:128
Logo liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 1,854

Hôm qua: 1,751

Tháng hiện tại: 3,605

Tháng trước: 0

Tổng lượt truy cập: 2,203,836

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây