Ý nghĩa của những lời thề
Trong cuộc đời, ai cũng từng mang nặng một lời thề nào đó. Lời thề luôn khởi nguồn từ những điều thiêng liêng, sâu kín nhất từ trong trái tim con người. Thuở xưa, nhiều người là đồng niên, đồng môn, đồng nghiệp muốn gắn bó lâu bền với nhau đã cùng uống chén rượu thề trước trời đất chứng giám cho tình bằng hữu được keo sơn gắn bó. Trong ngày lễ thành hôn, một trong những việc hệ trọng nhất của cuộc đời, tình nghĩa phu thê đã được nhiều người thề thốt là sống thủy chung bên nhau đến đầu bạc răng long. Cũng có nhiều binh sĩ trước khi ra sa trường hay biên ải đối mặt với quân xâm lăng, đã quyết giữ trọn lời thề trung quân ái quốc, đánh tan kẻ thù để xứng với chí khí của bậc nam nhi quân tử.
Người Việt vốn sống trọng tình, trọng nghĩa nên rất trọng lời thề. Vì lời thề gắn liền với tính cách khảng khái, trượng phu, quang minh chính đại của một nhân cách chân chính. “Quân tử nhất ngôn”, “Nói lời phải giữ lấy lời”, “Lời thề như dao chém đá”… không chỉ là những câu châm ngôn đầy chất ứng xử văn hóa mà người xưa gửi gắm, trao truyền và nhắc nhớ hậu thế, mà nó còn toát lên và thể hiện ý chí, bản lĩnh, khí phách trước sau như một của những bậc dũng tướng, sĩ phu, văn nhân, quan chức giàu lòng tự trọng. Ngược lại, với những kẻ đầu môi chót lưỡi, nói đâu bỏ đấy, hứa trước quên sau, vô thủy vô chung, nói một đằng làm một nẻo thì chỉ coi lời thề là “lời nói gió bay”, “thề cá trê chui ống”…
Đừng ai nghĩ rằng lời thề đơn giản. Không chỉ là lời hứa danh dự, mà hơn thế, đó là lời hứa chứa đựng cả giá trị đạo đức, văn hóa và thể hiệu chiều sâu nhân cách tử tế của một con người. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có một lời thề làm lay động tâm can và tạo ra sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho cả dân tộc ta, đó là lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô. Tinh thần của lời thề đó tiếp tục tạo niềm tin nâng bước cho lớp lớp thanh niên trên khắp mọi miền đất nước tình nguyện nhập ngũ và ra chiến trường xung trận với một ý chí mãnh liệt: “Ra đi giữ trọn lời thề/ Đánh xong giặc Mỹ mới về quê hương!”.
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, vào mỗi buổi lễ chào cờ đầu tuần, đầu tháng, bao giờ cũng có một nghi thức trang nghiêm là một quân nhân tiêu biểu đứng dưới Quốc kỳ đọc Mười lời thề danh dự của quân nhân. Những lời thề ấy như chứa đựng cả hồn sông khí núi, tạo thêm khí thế và sức mạnh tinh thần cho mỗi chiến sĩ tiến về phía trước, đạp bằng mọi chông gai, vượt qua mọi thử thách, nỗ lực hoàn thành bổn phận giữ gìn giang sơn bờ cõi; đồng thời là lời động viên, nhắc nhớ mỗi người luôn giữ tròn chữ “trung” với Đảng, với nước và chữ “hiếu” với dân.
Danh dự đảng viên - khởi nguồn từ lời tuyên thệ trong ngày kết nạp Đảng
Một trong những kỷ niệm khó phai trong đời người đảng viên là ngày được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, chắc hẳn mỗi người không quên khoảnh khắc và cảm xúc khi nói những lời tuyên thệ: “Hôm nay vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và trước sự chứng kiến của các đảng viên trong chi bộ, tôi xin thề: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.
Nói đến lời thề của đảng viên là nói đến lương tâm, danh dự, phẩm chất, giá trị, uy tín, thanh danh của người cộng sản. Với những đảng viên có ý thức và giàu lòng tự trọng, lời thề trong ngày lễ kết nạp Đảng đã trở thành một trong những động lực rèn luyện, tu dưỡng tốt hơn, phấn đấu bền bỉ hơn, có nhiều đóng góp tích cực hơn cho tập thể, cho tổ chức đảng nơi mình công tác, qua đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt và cũng nhờ đó, bản thân ngày càng hoàn thiện về phẩm chất nhân cách và không ngừng tiến bộ, trưởng thành. Lời thề của những đảng viên chân chính thực chất là lời bảo đảm cam kết chính trị hàng đầu về lòng trung thành, chí tiến thủ và tinh thần suốt đời phấn đấu, hy sinh vì những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và cách mạng. Vì mang theo lời thề thiêng liêng ấy, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, có gần 160.000 đảng viên đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nước, vì dân.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là những năm gần đây, một bộ phận cán bộ, đảng viên đang tự đánh mất những phẩm giá thiên lương của người cộng sản, làm hoen ố danh dự của đảng viên. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng này là cán bộ, đảng viên không thấm thía những lời thề thiêng liêng từ ngày đầu là đảng viên mới; không ứng xử trọn vẹn, thủy chung với những lời tuyên thệ đã từng cất lên từ trái tim mình trong buổi lễ kết nạp Đảng; không kiên tâm, bền bỉ nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo toàn danh dự hai chữ “đảng viên”-một danh xưng là niềm ước mơ, khát vọng cháy bỏng mà mình hằng phấn đấu, theo đuổi và ngưỡng mộ.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta từng bày tỏ nỗi lòng sâu kín nhất của mình khi đặt câu hỏi: “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?”. Vốn suy tư và nặng lòng trăn trở cho sự trường tồn của Đảng và chế độ ta, vị lãnh đạo cao nhất của đất nước không dưới một lần bày tỏ cảm xúc “đau lòng” khi một loạt cán bộ cao cấp và nguyên cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật; đồng thời cảnh báo, cảnh tỉnh mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa để tránh đi vào những vết xe đổ; nếu tay trót “nhúng chàm” thì phải “tự giác gột rửa”; đồng thời đừng quên rằng, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên.
Không trăn trở sao được khi trong 7 năm (2011-2017), có tới gần 51.000 đảng viên bị xóa tên khỏi Đảng, trong đó hơn 38.500 trường hợp bị xóa tên do vi phạm, ngoài ra có gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng. Đấy là chưa kể trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã xử lý kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, một con số nói lên “kỷ lục” buồn về sự tổn thất cán bộ. Đáng nói hơn, có những cán bộ khi còn ở cương vị thấp luôn giữ được sự trong sáng của người đảng viên chân chính; cũng có cán bộ từng nếm mật nằm gai, từng trải qua những năm tháng vào sinh ra tử, từng lên rừng xuống biển, lặn lội xông pha với nhân dân trong thực tiễn cơ sở; nhưng khi phấn đấu vươn lên và được trao quyền lực lớn hơn đã thiếu nghiêm khắc rèn luyện bản thân, bị mê hoặc, quyến rũ bởi “cái bả” tiền tài danh vọng nên từng bước trượt dài, lún sâu vào con đường sai phạm. Để rồi khi tỉnh ngộ ra, những cán bộ bị kỷ luật, bị rơi vào vòng lao lý mới hiểu thế nào là nỗi đau âm ỉ: “Mất tiền bạc là mất ít, mất sức khỏe là mất nhiều, mất danh dự là mất tất cả”!
Danh dự được ví như một thứ nước hoa. Giữ được danh dự đảng viên không chỉ giữ được danh thơm cho cả gia đình, người thân, bạn bè, dòng họ, mà còn góp phần làm lan tỏa tiếng tốt của mình trong tập thể, cấp ủy, tổ chức đảng và rộng hơn là trong toàn Đảng, toàn xã hội. Nhưng danh dự cũng được ví như một que diêm, khi đã cháy một lần là hết ngay. Nói thế để thấy, xây dựng được danh dự đã khó, để bảo toàn được danh dự lâu dài còn khó hơn nhiều. Vậy nên, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ đội tiền phong của những người chiến sĩ cách mạng, dù ở đâu, lúc nào, trên cương vị gì, nhất là trong những lúc khó khăn, cam go, thử thách và trước những cám dỗ “mồi phú quý, bả vinh hoa”, mỗi đảng viên đừng bao giờ quên mình đã có một lời thề thiêng liêng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và trước anh linh Bác Hồ vĩ đại. Muốn trọn đời theo Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hãy biết khắc cốt ghi tâm những lời thề trong ngày kết nạp Đảng, góp phần làm cho danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào và trở thành “danh thơm, tiếng tốt” có sức hút, sức hấp dẫn đối với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đó cũng là một cách bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng Cộng sản Việt Nam bền vững nhất. Đồng thời, đó cũng là một việc làm thiết thực để góp phần phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng.
THIỆN VĂN (Theo qdnd.vn)
Chương I CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN, CÁC TỔ CHỨC THUỘC VÀ TRỰC THUỘC CHI CỤC KIỂM LÂM Điều 1. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Chi cục Kiểm lâm, gồm: Phòng Hành chính, Tổng hợp; Phòng Thanh tra, Pháp chế; Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên ; Phòng Sử dụng và Phát triển...