Đang truy cập: 4
Hôm nay: 1,128
Hôm qua: 944
Tháng hiện tại: 33,727
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,233,958
- Đang truy cập4
- Hôm nay1,128
- Tháng hiện tại33,727
- Tổng lượt truy cập2,233,958
Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như chiến lược dài hạn nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
*Bước tiến mới của hội nhập
CPTPP với 11 nước thành viên, chiếm 13,4% tổng giá trị GDP toàn cầu sẽ trở thành khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên toàn cầu, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh châu Âu (EU). Xét về góc độ cam kết, CPTPP được các chuyên gia đánh giá là hiệp định hợp tác tiến xa nhất và toàn diện nhất ở thời điểm hiện nay.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc cho rằng, ký kết CPTPP là bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn.
Theo phân tích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam là sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác. Cụ thể, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78% - 95% số dòng thuế, với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 -10 năm, đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 98% -100% số dòng thuế. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các FTA đã có. Ngược lại Việt Nam loại bỏ ngay 65,8% số dòng thuế, đến năm thứ 11 sẽ xóa bỏ 97,8% cho các đối tác.
Một ưu điểm khác của CPTPP mang lại cho Việt Nam là thiết lập thương mại tự do với nhiều đối tác xa hơn. Đồng thời, là động lực để doanh nghiệp Việt mạnh dạn khai phá các thị trường mới. Thêm vào đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của các thành viên CPTPP mang tính bổ sung và ít cạnh tranh với nhau. CPTPP có hiệu lực được cho là sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản…sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, CPTPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh xuất khẩu khi các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6% đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0% ngay lập tức.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, từ trước tới nay Mexico chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam do mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ khá cao, dao động từ 10% tới 15%. Với CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để thâm nhập thị trường này sâu hơn vì Mexico đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất của Việt Nam với lộ trình tối đa là 10 năm. Khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ một cách đột biến là không có nhiều, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp Việt sẽ lớn dần theo lộ trình giảm thuế.
Với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện nay trung bình là trên 10%, khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0%. Khi đó, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá.
Đó cũng là động lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt – may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững. Mặt khác, nhờ có CPTPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng sẽ quan tâm tìm hiểu và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới ở khu vực Nam Mỹ.
Nhận định về cơ hội của ngành da giày khi CPTPP có hiệu lực, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, CPTPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng cho Việt Nam như Mexico và Canada. Đó chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, xét một cách tổng thể, CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, không chỉ tạo ra lợi thế về ưu đãi thuế quan mà còn giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành da giày nói riêng thông qua việc thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công của Nhà nước, từ đó tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
*Tận dụng ưu đãi cho doanh nghiệp
Cơ hội mà CPTPP mở ra cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã được nhiều chuyên gia khẳng định, nhưng cơ hội đó có trở thành những con số cụ thể trong gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hay không lại là vấn đề khác, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Thanh Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) nhận định, điều kiện để được ưu đãi thuế trong các FTA không hề đơn giản, đặc biệt là với một FTA kiểu mới, toàn diện như CPTPP. Bởi muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với rất nhiều “rào cản kỹ thuật”; trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp nói riêng còn yếu so với các đối tác.
Phân tích trong ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng lợi thế nổi bật mà dệt may Việt Nam có được từ CPTPP mà mức thuế quan được cắt giảm sâu và nhanh, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, việc khai thác ưu đãi thuế là không dễ bởi muốn được ưu đãi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe.
Với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt, nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ vì Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu (ngoài khu vực CPTPP).
Theo ông Phạm Xuân Hồng, việc giải quyết nguồn nguyên liệu là bài toán không hề đơn giản với ngành dệt may Việt Nam. CPTPP được xem là một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu. Tuy nhiên đây là ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, các cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và tác động tới môi trường trước khi cấp phép đầu tư.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty Thành Hưng (da giày) cho rằng, dù có được ưu đãi về thuế thì giá trị thật sự mà các doanh nghiệp da giày Việt Nam nhận được là không nhiều vì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường mới như Mexico, Canada từ trước đến nay đã quen sử dụng các thương hiệu da giày đến từ quốc gia khác và chưa có nhiều thông tin về sản phẩm da giày của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, phải nhìn nhận rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tập trung khai thác vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật…mà chưa thật sự quan tâm tới các thị trường mới ở châu Mỹ.
Do đó, muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Việc này cần có thời gian và nguồn lực về tài chính, con người chứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại trong việc hưởng lợi từ các FTA và CPTPP. Minh chứng là Việt Nam đã thực thi 10 FTA song phương và đa phương trước khi CPTPP có hiệu lực nhưng mức độ tận dụng các ưu đãi ở một số FTA đang có xu hướng giảm. Với một số đối tác lớn, việc thực thi FTA lại thúc đẩy nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, doanh nghiệp cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan, không chỉ CPTPP mà trong tất cả các FTA đang và sắp có hiệu lực.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp phải chủ động cải thiện năng lực quản lý, chuyển đổi phương thức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời phải cải tiến công nghệ để tăng năng suất và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Chỉ khi doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện đã cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước./.
Liên kết website
Đang truy cập: 4
Hôm nay: 1,128
Hôm qua: 944
Tháng hiện tại: 33,727
Tháng trước: 0
Tổng lượt truy cập: 2,233,958