Đang truy cập: 7
Hôm nay: 1,182
Hôm qua: 1,674
Tháng hiện tại: 47,481
Tháng trước: 64,041
Tổng lượt truy cập: 2,173,269
- Đang truy cập7
- Hôm nay1,182
- Tháng hiện tại47,481
- Tổng lượt truy cập2,173,269
Thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực là để bảo đảm quyền lực luôn được sử dụng đúng người, đúng mục đích, nhất là đối với những cán bộ, đảng viên có chức quyền, nhằm ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của người được trao quyền - một trong những nguy cơ, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì thế, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm vấn đề kiểm soát quyền lực để phòng chống sự suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
QUYỀN LỰC VÀ CÁCH THỨC ĐỂ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC
Quyền lực “là quyền hành và thế lực mạnh, đủ để quyết định các công việc: nắm quyền lực trong tay- dùng quyền lực ép người ta phải nghe theo, làm theo”[1]; còn kiểm soát quyền lực là “kiểm tra, xem xét, nhằm ngăn ngừa những sai phạm các quy định” và đặt quyền lực “trong phạm vi quyền hành và trách nhiệm”[2] của những người đã được giao/phân công/ủy nhiệm thực thi quyền lực.
Với một chính đảng đã cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên ưu tú được giao/phân công/ủy nhiệm các chức vụ trong Đảng, các cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị. Vì thế, để ngăn ngừa, phòng và chống sự lạm dụng, tha hóa, trục lợi vì quyền lực dẫn đến làm mất đi tính tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của Đảng cách mạng, rất cần phải kiểm soát quyền lực trong Đảng. Việc kiểm soát quyền lực của các tổ chức, các cán bộ, đảng viên có chức vụ trong các tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị không chỉ nhằm ngăn chặn, phòng và chống sự tha hóa quyền lực mà còn để thực hiện dân chủ, phát huy dân chủ, làm cho nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng được thực thi nghiêm túc.
Để kiểm soát quyền lực trong Đảng, cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh cùng yêu cầu thực hiện theo hai cách thức chủ yếu: 1) Thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình; 2) Chú trọng thực hiện công tác kiểm tra và giám sát.
Theo V.I.Lênin, “chỉ có kẻ nào không làm một công việc thực tiễn nào mới không bị sai lầm”, “những sai lầm thường khi lại bổ ích, nếu người ta học tập được về những sai lầm đó, nếu những sai lầm đó tôi luyện con người” và “sai lầm cũng dạy chúng ta nhiều bài học…, chúng ta sẽ học tập bằng tự phê bình”[3]. Nhấn mạnh nguyên tắc: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”[4], V.I. Lênin chỉ rõ: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”[5]. Vì thế, phải “công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm”[6], để kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm
Đồng thời, nhấn mạnh vai trò kiểm soát quyền lực nội bộ Đảng, đặc biệt là kiểm soát quyền lực của các cơ quan Ban Chấp hành, V.I.Lênin đề xuất thành lập Ủy ban Kiểm tra của Đảng và các cơ quan này phải có vị trí tương đương như các Ban Chấp hành, để có thể kiểm soát được quyền lực tối cao của Đảng; góp phần thực thi việc chất vấn trong Đảng, đảm bảo cho dân chủ trong Đảng được thực thi và phát huy tác dụng thực chất.
Để kiểm soát quyền lực, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[7]. Ở đây, sự “tự cao tự đại”, “không dám nói lên những nhược điểm”, “giấu giếm khuyết điểm của mình” theo V.I. Lênin và Hồ Chí Minh cũng chính là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của tổ chức Đảng và những người có chức quyền trong Đảng. Vì vậy, để trong sạch, vững mạnh, Đảng và mỗi cán bộ đảng viên cần phải tự giác thừa nhận sai lầm, “nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”[8]. Tổ chức “kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫuthật thà tự phê bình, phải hoan nghênh khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên. Cán bộ cấp trên phải trực tiếp lãnh đạo từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc cuộc kiểm thảo. Trong kiểm thảo, phải nêu rõ ưu điểm và khuyết điểm, làm cho việc phải trái rõ ràng, làm cho mọi người hiểu rõ và vui vẻ thừa nhận”[9]. Trong thực thi quyền lực, cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải công tâm, kỷ luật, tự giác, thẳng thắn, triệt để trong tự phê bình và phê bình theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, phải hết sức chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; phải coi kiểm tra và giám sát là điểm xuất phát, là khâu trung tâm trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh cùng cho rằng: “Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”[10], cho nên phải thường xuyên “kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”[11]. Thực tế cho thấy, “kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”[12]… do đó, phải kiểm tra tại cơ sở, phải thông qua công tác kiểm tra để xem "những nghị quyết đó đã thực hành được đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không", để vừa phát huy ưu điểm, phát hiện cái mới, cái tốt hơn nhằm điều chỉnh phương thức lãnh đạo sát hợp hơn; đồng thời, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân, không sâu sát thực tiễn trong phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của người đúng đầu.
Để công tác kiểm tra và giám sát góp phần làm cho việc kiểm soát quyền lực được thực thi hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”[13]. Trong đó, tự người lãnh đạo phải tiến hành việc kiểm tra; phải tổ chức một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm, giàu năng lực để giúp người lãnh đạo đi kiểm tra; đồng thời người đi kiểm tra phải nâng cao trách nhiệm công tác, “ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả, góp phần ngăn ngừa những biểu hiện hách dịch, cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, tiêu cực, v.v.. gây bức xúc trong nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các cơ quan công quyền.
Cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đều khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân đối với việc kiểm soát quyền lực trong Đảng. Cụ thể, V.I.Lênin yêu cầu cần phải “không chỉ thường xuyên triệu tập các cuộc họp toàn thể cho quần chúng công nông, mà còn phải thường xuyên tổ chức những cuộc báo cáo công tác của tất cả các cán bộ đảm nhiệm mọi chức vụ trước quần chúng công nông. Những cuộc báo cáo này phải tiến hành ít nhất mỗi tháng một lần để quần chúng công nhân và nông dân ngoài đảng có điều kiện phê bình các cơ quan Xôviết và công tác của các cơ quan đó. Không phải chỉ có các đảng viên cộng sản mà tất cả những người có chức trách ở mọi cương vị quan trọng…, đều phải tiến hành những báo cáo như vậy”[14]. Còn Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh, các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần phải phối hợp, kết hợp trong kiểm tra, giám sát, để thông qua quá trình phối hợp đó “ra sức làm cho mọi người tăng thêm lòng tự tin (tin chắc mình phát triển được ưu điểm, sửa đổi được khuyết điểm) khiến mọi người khoan khoái, vui vẻ, hăng hái, để tiếp tục công tác và tiến bộ mãi”[15].
KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC ĐỂ PHÒNG VÀ CHỐNG SỰ SUY THOÁI CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết Trưng ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, việc nhận diện đúng về quyền lực, tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực để ngăn chặn, phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở.
Có thể nói, cùng với việc "tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”[16] theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, “các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”[17]; đồng thời “xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm”[18] theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 7 khóa XII đã cho thấy vấn đề kiểm soát quyền lực được chú trọng thực hiện, từng bước đem lại kết quả rõ rệt.
Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất chính là tại các cấp ủy Đảng: thông qua tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát đã kịp thời phát hiện và tiến hành đúng trình tự để xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm pháp luật về tham ô, tham nhũng, v.v.. Công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được thực thi nghiêm túc. Việc xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật… Công tác phòng, chống sự tha hóa quyền lực, suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng đã và đang cho thấy, việc xây dựng cơ chế và quá trình kiểm soát quyền lực được đẩy mạnh. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cấp ủy cấp huyện và cơ sở, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ án tham nhũng, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Đồng thời, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức, nghỉ hưu và cán bộ cấp cao; kỷ luật từ trên xuống dưới "không có vùng cấm", "không có trường hợp ngoại lệ"... góp phần củng cố niềm tin của nhân dân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của
một số tổ chức và cá nhân
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về thực trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái…Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ.
Việc đăng ký, tự soi theo 27 biểu hiện suy thoái (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ) theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ở các cấp ủy (thông qua công tác tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát) vẫn cho thấy: ở đâu đó, với quyền lực được giao phó, sự suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cao cấp vẫn đang diễn ra, không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cầm quyền.
Trong thực tế: 1) Sự suy thoái ở bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền này là coi thường kỷ luật, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; coi thường nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” với các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, sử dụng đặc quyền, đặc lợi để lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm tham ô, tham nhũng, mưu cầu cho cá nhân và nhóm lợi ích; ngày càng quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; trục lợi từ chức quyền để chạy dự án, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy chức cho mình và người thân… 2) Sự suy thoái ở bộ phận đảng viên chưa hoặc không được giao các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong Đảng và chính quyền mà chỉ chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ đảng viên thì thường là các biểu hiện thiếu niềm tin và nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng; phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; bàng quan, thiếu tinh thần và quyết tâm phấn đấu, vượt gian khổ, khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không gương mẫu giữa nói và làm, v.v..
Từ chỉ dẫn của V.I Lênin và Hồ Chí Minh về yêu cầu và biện pháp để thực hiện kiểm soát quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị hiệu quả, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định phải tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực. Cụ thể, “phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn”[19]; phải đồng thời tiến hành kiểm tra ngang và kiểm tra dọc, từ trên xuống và từ dưới lên; phải phát huy vai trò của nhân dân trong công tác kiểm tra và giám sát; từng đoàn thể phải xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, chống lạm quyền, trục lợi từ quyền lực đảm bảo hiệu quả... Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng, coi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chương trình toàn khóa và chủ đề hằng năm là giải pháp căn cốt để thực hiện kiểm soát quyền lực trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị.
Hai là, chú trọng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; trong đó, căn cứ theo bản đăng ký của mỗi cấp ủy và cá nhân về phòng và chống các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp về tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống, lấy xây là chính”. Cụ thể, "thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình" theo Di chúc đi liền với tăng cường giám sát và kiểm tra, thực hiện kỷ luật trong Đảng theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào”, “từ trên xuống, từ dưới lên”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, quản lý nói chung và kiểm tra, kiểm soát đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nói riêng theo định kỳ và đột xuất, với sự giám sát của quần chúng nhân dân và đảng viên ở nơi công tác và địa bàn cư trú.
Ba là, “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở từng cấp và giữa các cấp, từ trên xuống và từ dưới lên, bảo đảm sự kiểm soát nhiều chiều. Tăng cường giám sát và kiểm tra đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện quyền lực trong Đảng thông qua những quy định, quy chế nghiêm ngặt. Phải coi kiểm soát quyền lực là kỷ luật của Đảng; đảm bảo quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy, cá nhân trong cấp ủy và từng vị trí lãnh đạo; công khai các quy định, quy chế về kiểm soát quyền lực để mọi cán bộ, đảng viên đều phải nghiêm túc thực hiện, không có ngoại lệ. Theo đó, mỗi cơ quan, tổ chức Đảng, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên được trao quyền đều phải gương mẫu đi đầu trong việc kiểm soát quyền lực được giao theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Đảng. Đồng thời, Đảng phải tăng cường cơ chế “tự kiểm soát” thông qua các sinh hoạt Đảng, tự phê bình và phê bình, qua hoạt động kiểm tra, giám sát, chất vấn, giải trình từ các tổ chức cơ sở Đảng đến Ban Chấp hành Trung ương; tăng cường giám sát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; tạo cơ chế để các tổ chức trong hệ thống chính trị giám sát trở lại việc thực thi quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và của Đảng gắn với khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh, để thông qua đó củng cố và tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong mỗi tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị.
Bốn là, cùng với việc thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ và kỷ luật Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự kiểm soát mình”, xây dựng và rèn luyện cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng để: 1) Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; 2) Kiên tâm tự đề kháng và miễn dịch trước “bả vinh hoa của quyền lực, chức quyền”; trước những tác động tiêu cực từ những thông tin xấu độc, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phòng và chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; 3) Kiên trì tu dưỡng để "thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", phòng và chống chủ nghĩa cá nhân gắn liền với nỗ lực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ để bồi đắp, hoàn thiện mình, xứng đáng là “người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc. Thông qua đó, không chỉ nhận diện rõ những biểu hiện lạm dụng, trục lợi từ quyền lực, tha hóa bởi quyền lực dẫn tới sự suy thoái của cán bộ, đảng viên để đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các việc làm sai trái mà còn kịp thời xử lý và đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bất kể đó là ai, ở vị trí công tác nào; đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trên tinh thần chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, tiền phong trong thực thi quyền lực./.
Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống 1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. (Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ") |
TS. Văn Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Trung ương
[1] Nguyễn Như Ý: Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr. 1311
[2]Nguyễn Như Ý: Đại từ điển Tiếng Việt, Sđd, tr. 842
[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.37, tr.205-206
[4] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.395-396
[5] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.141
[6] .I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.51
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.5, tr.301
[8] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.51
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.318
[10] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.19
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.636
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.637
[13]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.363-364
[14] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.43, tr.305
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.318-319
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội , 2016, tr.47
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, ngày 30/10/2016
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII - Nghị quyết số 26 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngày 19/5/2018
[19] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018
tuyengiao.vn
Liên kết website
Đang truy cập: 7
Hôm nay: 1,182
Hôm qua: 1,674
Tháng hiện tại: 47,481
Tháng trước: 64,041
Tổng lượt truy cập: 2,173,269