Đang truy cập: 36
Hôm nay: 7,129
Hôm qua: 8,980
Tháng hiện tại: 95,082
Tháng trước: 318,090
Tổng lượt truy cập: 1,763,418
- Đang truy cập36
- Hôm nay7,129
- Tháng hiện tại95,082
- Tổng lượt truy cập1,763,418
Ngày mai, 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp diễn ra vào những ngày tháng Năm lịch sử, trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thành công tốt đẹp, cả nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 - năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo thông lệ, trong chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự kiến Quốc hội sẽ dành 60% tổng thời gian của kỳ họp cho công tác lập pháp - chức năng quan trọng của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Các dự án luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu hay thông qua tại kỳ họp này có tác động rất sâu rộng đến đời sống xã hội và được cử tri đang rất quan tâm.
Những dự luật thu hút sự theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân cả nước như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia... đã được ban soạn thảo, các cơ quan thẩm tra chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở lắng nghe các ý kiến góp ý đa chiều của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến nhân dân...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét lần đầu dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Việc sửa đổi Bộ luật nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.
Giám sát tối cao - hoạt động luôn nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước tại kỳ họp này cũng có những đổi mới trong báo cáo kết quả giám sát.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điều đáng chú ý là việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội sẽ bằng hình ảnh, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.
Quốc hội cũng sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng khác về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Tại kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội luôn là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên được đặt ra. Điểm đổi mới tại Kỳ họp thứ 7 tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp này, lần đầu tiên áp dụng phần mềm hỗ trợ đại biểu Quốc hội.
Với phần mềm này, đại biểu Quốc hội sẽ được cung cấp thông tin về các nội dung được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp một cách nhanh chóng, kịp thời, giảm dần việc cung cấp tài liệu giấy để các đại biểu không còn phải “ôm” cả chồng tài liệu dày cộp vào các phiên họp. Đồng thời phần mềm này sẽ cung cấp cho đại biểu hệ thống dữ liệu thông tin phong phú, đa chiều, có thể tra cứu thuận tiện và nhanh chóng, qua đó góp phần thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Quốc hội, Tổng Thư ký nhấn mạnh.
Trong 20 ngày làm việc của Kỳ họp thứ 7 sắp tới, với những nội dung nghị sự quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhiều mặt tới đời sống nhân dân, đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự nghiên cứu để tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, qua đó tạo nền tảng, tiền đề cho những hoạt động hiệu quả tiếp theo của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân./.
Liên kết website
Đang truy cập: 36
Hôm nay: 7,129
Hôm qua: 8,980
Tháng hiện tại: 95,082
Tháng trước: 318,090
Tổng lượt truy cập: 1,763,418